Theo đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng được tốt hơn, vừa qua Bộ Công Thương đã đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), tổ chức lấy ý kiến góp ý nhằm kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Cần thiết hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh minh họa

Cụ thể, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến lần này dựa trên 7 nội dung chính.

Thứ nhất , hoàn thiện các quy định về hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thực thi các quy định có liên quan.

Thứ hai , hoàn thiện các quy định về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch có liên quan.

Thứ ba , hoàn thiện các quy định liên quan đến cơ chế giải quyết tranh chấp; bổ sung quy định về vai trò hỗ trợ của cơ quan Nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phù hợp với thực tiễn.

>>Cần sửa đổi Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thứ tư , hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế;

Thứ năm , xây dựng và hoàn thiện các quy định về các loại hình giao dịch, hoạt động, trách nhiệm của các chủ thể, cơ chế kiểm soát, khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể nhằm khuyến khích, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững.

Thứ sáu , hoàn thiện quy định về quản lý Nhà nước nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Thứ bảy , hoàn thiện quy định về vai trò, trách nhiệm của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm nâng cao công tác bảo vệ người tiêu dùng.

Thông tin với báo chí về Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ giúp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đồng thời, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật, phục vụ đắc lực cho việc thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh và bền vững tại Việt Nam...

Một số chuyên gia cũng góp ý cần bổ sung hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới

xuất hiện vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan - Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, trên cơ sở 7 nhóm chính sách đã được thông qua, đứng trước bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần thể hiện và đáp ứng toàn diện các yêu cầu thực tiễn. Trong đó, hạn chế tối đa sự bất cập có thể đến từ việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và thế giới cũng như sự xuất hiện của nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới mà thời điểm xây dựng Luật chưa xuất hiện.

Đánh giá về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, với sự đa dạng của các hình thức kinh doanh, việc ban hành Luật (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ người tiêu dùng là cần thiết, tuy nhiên, về nội dung Dự thảo, một số chuyên gia cũng góp ý cần bổ sung hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Luật mới phải phát huy rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như xây dựng cơ chế phù hợp để thành lập và tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả.

Cùng quan điểm với ông Hùng, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, một số quy định hiện nay chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh - tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, nhất là mô hình ứng dụng sự phát triển của thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng chia sẻ, kinh tế số.

“Mặt khác, một số trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của doanh nghiệp đã không còn phù hợp, đầy đủ do sự xuất hiện của nhóm người tiêu dùng mới hoặc hành vi tiêu dùng mới. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện cũng cần được bổ sung vào phần các hành vi cấm hoặc nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan, những vấn đề này cần được xây dựng trọng tâm trong Luật mới khi được sửa đổi”, ông Tuấn góp ý.