Hiệp định EVFTA – Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo

2021-08-29 08:18:14

EVFTA đã mang theo rất nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp về quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung cũng như cơ hội cho từng doanh nghiệp nói riêng .
Trong lúc tình hình dịch bệnh đang rất căng thẳng, ảnh hưởng bất lợi ở các mức độ khác nhau cho doanh nghiệp, tôi đánh giá cao ý nghĩa của buổi Hội thảo “Hành trình 01 năm Hiệp định EVFTA – Khởi đầu thuận lợi và những bước tiếp theo”, một dịp mà Eurocham, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và tất cả quý vị cùng thảo luận về EVFTA, về những gì đã đạt được sau 01 năm thực thi, và về cách thức mà Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới tiêu chuẩn cao nối liền hai nền kinh tế Việt Nam và EU này có thể hỗ trợ hai bên chúng ta vượt qua cơn bĩ cực từ đại dịch COVID-19 và để phát triển mạnh mẽ hơn sau này.

Như quý vị cũng đã biết, với các cam kết có mức độ tự do hóa sâu rộng, các tiêu chuẩn cao về quy tắc, thể chế và với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, EVFTA đã mang theo rất nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp về quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung cũng như cơ hội cho từng doanh nghiệp nói riêng:

Đó có thể là những kỳ vọng đặc biệt với FTA đầu tiên, con đường cao tốc hai chiều đầu tiên cho xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU. Điều này là rất ý nghĩa nếu biết rằng hầu như tất cả các FTA trong một thập kỷ trở lại đây của Việt Nam đều là với các đối tác mà trước đó Việt Nam đã có FTA, do đó lợi ích về xuất nhập khẩu chỉ là tăng thêm.

FTA “27-in-1”, EVFTA cho phép Việt Nam kết nối trực tiếp cùng lúc với 27 nền kinh tế thành viên của khu vực kinh tế đứng tốp đầu thế giới . Thị trường chỉ chưa đầy 500 triệu dân của 27 nước EU có sức mua lớn thứ hai toàn cầu, và cũng là khách hàng lớn thứ hai thứ ba liên tục nhiều năm của xuất khẩu Việt Nam. Về phía mình, thị trường Việt Nam với 98 triệu dân và một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng có nhu cầu rất cao về nguồn đầu vào cho sản xuất cũng như các sản phẩm tiêu dùng chất lượng tốt từ EU.

Từ góc độ cơ cấu kinh tế , các nước thành viên EU và Việt Nam có cơ cấu cơ bản bổ sung cho nhau, hầu như không cạnh tranh trực tiếp. EU mạnh về các sản phẩm như dược phẩm, sữa, thịt, máy móc thiết bị… Việt Nam lại có ưu thế về các sản phẩm công nghiệp nhẹ phục vụ tiêu dùng (dệt may, giày dép, đồ gỗ…), nông sản nhiệt đới (rau củ, trái cây, gạo…), thủy sản, công cụ thiết bị cơ khí... EU có dịch vụ tài chính, logistics… rất phát triển, trong khi Việt Nam lại mạnh trong cung ứng các dịch vụ như đóng tàu, vận tải nội địa…

EU là nơi cung cấp công nghệ nguồn quan trọng trong nhiều ngành kinh tế, thậm chí đứng đầu thế giới trong một số lĩnh vực. Việt Nam lại có nhu cầu cao về nhập khẩu công nghệ, máy móc thiết bị thế hệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam. Sự bổ sung này làm cho cơ hội lợi ích trong EVFTA cho các doanh nghiệp lớn đáng kể so với các FTA mà Việt Nam đang có.

Từ góc độ hợp tác đầu tư , với EU là nguồn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới, Việt Nam là cánh cửa kết nối nhiều nền kinh tế quan trọng ở châu Á, lại được bảo đảm bằng các cơ chế bảo hộ tin cậy trong EVFTA, các doanh nghiệp hai bên có rất nhiều động lực mới cùng Hiệp định này để gia tăng hợp tác, cùng phát triển và cùng thu lợi nhuận.

Hơn thế nữa, là FTA có mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc và bao trùm nhất về các vấn đề thể chế kinh tế và phát triển bền vững mà Việt Nam từng ký kết, EVFTA còn là sức ép, điều kiện và động lực để doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam nâng cấp hoạt động kinh doanh thương mại ở các góc độ nhân văn, bao trùm và phát triển bền vững, một xu hướng tất yếu không thể đảo ngược của thế giới.

Một Hiệp định như vậy có hiệu lực vào một thời điểm đặc biệt, khi kinh tế hai bên và cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn từ đại dịch thế kỷ COVID-19, EVFTA lại gánh thêm những kỳ vọng khác nữa, như là một trong những động lực và cách thức quan trọng để các doanh nghệp và nền kinh tế hai Bên, mà đặc biệt là Việt Nam, cầm cự qua dịch bệnh cũng như lấy lại đà tăng trưởng sau đó.

Trong gần 400 ngày vừa qua kể từ khi có hiệu lực ngày 1/8/2020, EVFTA đã cho thấy những đóng góp có ý nghĩa như một "cứu cánh" trong phát triển kinh tế giữa hai bên và cho sự tăng trưởng của Việt Nam mà những thay đổi trong quan hệ xuất nhập khẩu song phương là minh chứng điển hình.

Còn nhớ trong suốt 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tụt dốc liên tục với mức giảm tổng cộng là -5.9% so với cùng kỳ 2019, cùng mức sụt giảm nhu cầu ở EU trong các giai đoạn đóng cửa kinh tế do dịch bệnh. Tình thế hoàn toàn thay đổi trong 5 tháng cuối năm 2020, dưới tác động của EVFTA, trong khi tổng nhập khẩu của EU từ thế giới vẫn sụt giảm tới 20%, nhập khẩu từ Việt Nam sang thị trường này lại tăng 3.8%. Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU vẫn tăng liên tục và ổn định, ở mức 18.3% so với cùng kỳ, đặc biệt là sự bứt phá của nhóm hàng nông sản.

Ở chiều ngược lại, EVFTA cũng thúc đẩy mạnh mẽ nhập khẩu từ EU vào Việt Nam, với các sản phẩm như linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị… là thế mạnh của EU và cũng là nguồn đầu vào quan trọng cho Việt Nam. Nếu như năm 2020, nhập khẩu từ EU của Việt Nam tăng 4.3% (cao hơn mức 3.7% tăng trưởng nhập khẩu từ tất cả các nguồn) thì 6 tháng đầu năm 2021, con số này là 19.8%.

Tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA của Việt Nam cũng đạt được mức cao nhất so với năm đầu thực thi của bất kỳ FTA nào khác. Theo Bộ Công Thương, 5 tháng cuối năm 2020, tỷ lệ này là 14.8% (quan sát của VCCI cho thấy tỷ lệ này gấp 2 lần tỷ lệ sử dụng ATIGA, gấp 7 lần AIFTA, gấp 2 lần tỷ lệ tận dụng các thị trường mới của CPTPP trong năm đầu). Nửa đầu năm 2021, tỷ lệ này đã tăng lên tới mức 29%.

Về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên. Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020)

Sau những thành công bước đầu hết sức khả quan và tích cực trong thực thi EVFTA, chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới khó khăn hơn, thách thức hơn dưới áp lực chưa từng có của dịch bệnh ở Việt Nam.

Như quý vị cũng đã biết, những ngày này, nhân dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp EU tại Việt Nam, đang phải trải qua những thời khắc vô cùng khó khăn, với dịch bệnh diễn biến đặc biệt phức tạp, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Các doanh nghiệp ở nhiều khu vực trên cả nước mà đặc biệt đầu tàu ở phía Nam đã và đang phải đối mặt với những tác động và thiệt hại nghiêm trọng.

Từ góc độ sản xuất, dịch bệnh khiến chuỗi sản xuất bị đứt gãy nghiêm trọng, từ việc thiếu lao động, đến phải ngừng sản xuất do không đáp ứng được điều kiện làm việc trong giãn cách, từ việc thiếu hụt nguồn đầu vào đến việc không thể giải phóng nguồn đầu ra do ách tắc trong khâu vận chuyển liên tỉnh.

Ở các khu vực tâm dịch, đa số các doanh nghiệp không có khả năng đáp ứng được các điều kiện để tiếp tục sản xuất. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh, 90% doanh nghiệp chế biến gỗ và đồ mỹ nghệ thuộc HAWA phải ngừng sản xuất. Ở Cần Thơ, 9.800/10.000 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Ở 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, thủ phủ chế biến thủy sản xuất khẩu, mặc dù chỉ có 35% cơ sở (123/449) phải tạm dừng sản xuất hoàn toàn, số vẫn tiếp tục hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 30% - 40% công suất so với thông thường do thiếu nhân công và yêu cầu chia ca kíp. Ở nhiều tỉnh phía Nam, nông dân không thể ra đồng trong khi nhiều loại nông sản đang vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung cho doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nông sản cùng vì vậy bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu, không chỉ đầu vào và sản xuất gặp rủi ro, đầu ra cũng cực kỳ phức tạp khi đơn hàng không thể xuất theo kế hoạch, vận tải đường bộ chậm trễ do các thủ tục kiểm soát dịch bệnh, cảng xuất ách tắc do không thể vận hành bình thường, tình trạng thiếu container rỗng vẫn diễn biến nghiêm trọng và chi phí logistics tăng phi mã. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những hệ lụy chưa thể lường hết được trong tương lai, khi dịch đã đi qua. Liệu những đơn hàng mà hiện vì dịch bệnh mà doanh nghiệp không thể đáp ứng, khách hàng chuyển sang mua từ các nước khác, có quay trở lại với Việt Nam sau đó? Liệu nguồn nguyên liệu đầu vào có khôi phục lại khi mà nhiều nông dân, người nuôi trồng thủy sản có thể vì những thiệt hại hiện tại mà không thể tiếp tục tái đàn, xuống giống, thả nuôi cho mùa tới? Liệu một lượng đáng kể người lao động đã rời tâm dịch về quê có trở lại để tái khởi động sản xuất?…

Để xử lý tất cả những nguy cơ cả hiện hữu và trong tương lai này thì cần rất rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước và chiến lược riêng của doanh nghiệp. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho doanh nghiệp trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh để tiếp tục kinh doanh trong thời gian tới nếu chúng ta khai thác hiệu quả các khía cạnh thích hợp.

Ví dụ lợi thế về thuế quan trong EVFTA có thể là một lực hấp dẫn quan trọng để thu hút các khách hàng EU quay trở lại với Việt Nam sau thời gian đỉnh dịch. EVFTA cho Việt Nam lợi thế cực kỳ đáng kể trong cạnh tranh với các đối thủ khác ở thị trường EU. Hiện tại ngoài Việt Nam, EU mới chỉ có FTA với 3 nền kinh tế ở châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, trong đó không có đối thủ cạnh tranh trực tiếp nào với Việt Nam. Và nếu xuất khẩu sang EU qua EVFTA có thể giữ được nhờ lợi thế giá, đặc biệt trong lĩnh vực nông thủy sản, tiềm năng lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục đầu tư khôi phục sản xuất sau dịch, thu hút người lao động trở lại cũng như thúc đẩy khôi phục nguồn nguyên liệu.

Cũng như vậy, các lợi thế từ thuế quan trong nhập khẩu máy móc thiết bị, công nghệ, nguyên phụ liệu cho sản xuất từ EU theo EVFTA có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí, đồng thời tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả cạnh tranh khi một lần nữa trở lại đường đua.

Trong quá trình khai thác tối đa lợi thế EVFTA để khôi phục sản xuất kinh doanh, tôi tin rằng sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và FDI đến từ EU sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Cùng nhau vượt qua khó khăn chắc chắn sẽ hiệu quả hơn đi một mình. Cùng nhau hiện thực hóa các cơ hội từ EVFTA sẽ mang lại lợi ích hài hòa, bao trùm và bền vững cho cả hai. Và đó cũng là lý do mà VCCI và Eurocham đã thành lập Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu – Một nền tảng và cơ chế hợp tác quan trọng để chúng ta nắm tay nhau vượt qua khó khăn, cùng thắng vì lợi ích của cả 2 bên. Xin chúc cho Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam – Châu Âu của chúng ta thành công.

Nguồn: Tạp chí DDDN