“Gỡ khó” cho doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng

2024-03-04 09:01:52

Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản chưa thể hồi phục đã kéo theo hàng loạt doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng (VLXD) bị ảnh hưởng, thua lỗ và dự báo năm 2024 vẫn tiếp tục khó khăn…

Sản xuất xi măng tại Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng. Ảnh Trần Dũng

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, nhóm ngành vật liệu xây dựng đóng góp trung bình khoảng 7% GDP của Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, do thị trường bất động sản giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của toàn ngành trong 2 năm trở lại đây.

Thống kê cho thấy, trong năm 2023, sản lượng sản xuất và tiêu thụ gốm sứ, kính xây dựng chỉ đạt khoảng 50% công suất thiết kế. Theo Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam thông tin, doanh thu toàn ngành ước giảm 70-80%, đánh dấu một thời kỳ suy giảm dài và liên tục. Hiện nay, lượng tồn kho lũy kế các năm của các doanh nghiệp tương đương khoảng 6 tháng sản xuất.

Tương tự, ngành sản xuất xi măng cũng không thoát khỏi tình trạng này. Tổng kết hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) báo lỗ hơn 500 tỷ đồng. Nói như Tổng Giám đốc VICEM Lê Nam Khánh, đây là quãng thời gian khó khăn chưa từng có. Tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm, tồn kho tăng cao. Tại nhiều đơn vị trong hệ thống VICEM, một số nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng lò để hạn chế đổ clinker ra bãi.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định, thị trường bất động sản trầm lắng ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề. Nhưng vật liệu xây dựng là ngành chịu ảnh hưởng lớn nhất. Do đó, để tháo gỡ bế tắc cho đầu ra của ngành vật liệu xây dựng, việc phục hồi thị trường nội địa có ý nghĩa sống còn, đặc biệt là tập trung gỡ khó cho thị trường bất động sản và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ về nội dung này, ông Tống Văn Nga - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho biết, đặc thù của ngành VLXD là sản xuất mà không tiêu thụ được tức là gây nợ, mà nợ đọng thì lãi suất ngân hàng sẽ đè lên các xí nghiệp, nhà máy lúc đấy sẽ rất khó khăn. “Về bất động sản có thể nói là chúng ta có những cái định hướng chưa thật chuẩn xác, khi thị trường phát triển quá nhiều biệt thự, nhà liền kề ở phân khúc cao cấp. Bởi vậy, nhiều khu đô thị có thể có người mua nhưng rất ít nhu cầu đến ở. Nhà không bán được chủ đầu tư cũng không thể thanh toán được tiền vật liệu đã mua vào, nợ cũng như thế mà kéo dài”, ông Nga nói.

Trong khi đó, theo Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, phân khúc nhà bình thường cho người thu nhập thấp ở đô thị và đặc biệt là công nhân, cán bộ các khu công nghiệp rất thiếu. Nên nếu không điều chỉnh lại, có chiến lược phát triển hợp lý thì đời sống công nhân, người lao động còn gặp khó khăn.

“Bây giờ cái đầu tiên là "khơi thông" các rào cản, thủ tục xây dựng, tập trung vào đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, phải từ thủ tục cho đến đấu thầu, giám sát xây dựng rồi phân phối, tập trung vào những khu công nghiệp, thành phố lớn nơi có nhiều người có thu nhập thấp sống, địa bàn có nhiều công nhân lao động”, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Tống Văn Nga nêu quan điểm.

Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng chất lượng, đa dạng mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm. Để đạt được các yếu tố này, giải pháp là tăng cường đầu tư công nghệ tiên tiến vào sản xuất, quản lý; chú trọng tiết kiệm chi phí. Các doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến vấn đề môi trường, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn; linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tăng tiêu thụ sản phẩm.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp