Đưa Luật thuế thu nhập cá nhân về đúng bản chất

2022-10-11 09:24:00

Theo LS. Trương Thanh Đức, cần phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế.

>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Tránh trường hợp thua lỗ vẫn phải nộp thuế

Cần thiết sửa Luật

Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, số thuế thu nhập cá nhân trong 9 tháng đầu năm đã vượt dự toán 108,8%. Cụ thể, dự toán cả năm 118.075 tỉ đồng nhưng số thu vượt 10.390 tỉ đồng, lên mức 128.465 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong 9 tháng đầu năm, các cá nhân, hộ kinh doanh đã đóng thuế thu nhập vượt cả con số đề ra cho 12 tháng.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, việc giảm thuế thu nhập cá nhân lúc này là cần thiết để chia sẻ, động viên người làm công ăn lương và mang ý nghĩa nhân văn

Tuy nhiên, sau gần 3 năm trải qua Covid-19, không ít gia đình đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn vì thu nhập giảm sút, trong khi chưa kịp thích nghi với “bình thường mới” lại tiếp tục rơi vào vòng xoáy bão giá bởi các bất ổn khác. Mặt bằng giá cả mới được thiết lập không chỉ gây tổn hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp tới túi tiền người tiêu dùng.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, việc giảm thuế thu nhập cá nhân lúc này là cần thiết để chia sẻ, động viên người làm công ăn lương và mang ý nghĩa nhân văn. Nó còn đảm bảo công bằng về chính sách hỗ trợ giữa tổ chức và cá nhân khi hai năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, từ giảm 30% tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tới tiền thuê đất, giãn thuế và hiện nay doanh nghiệp vẫn tiếp tục được Chính phủ hỗ trợ về lãi suất 2%. Riêng thuế thu nhập cá nhân vẫn chưa có hỗ trợ gì.

Mới đây, Bộ Tài chính cho biết đang nghiên cứu lấy ý kiến góp ý để sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân. Từ năm 2021, Thủ tướng và Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi các bất cập của luật thuế này. Trong văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương hồi tháng 3/2022, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, đánh giá góp ý sửa đổi các nội dung gồm đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu nhập được miễn thuế, cơ sở tính thuế và xác định số thuế phải nộp, thuế suất, giảm trừ gia cảnh...

Luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty Luật ANVI kiến nghị, cần phải sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cho đúng nguyên tắc, bản chất của thuế là doanh thu trừ chi phí và có thu nhập mới phải nộp thuế. Do đó, những chi tiêu của bản thân người nộp thuế và người trong gia đình như tiền học của con, tiền khám chữa bệnh, tiền trả lãi ngân hàng (trong trường hợp mua nhà phải vay ngân hàng), tiền thuê nhà... phải được trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân.

"Đồng thời, mức thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống mức rất thấp để nhiều người nộp thuế nhưng với mức thuế chỉ 1 - 2%. Ngoài ra, cần giảm bậc thuế xuống còn 5 với thuế suất của bậc cao nhất là 20%. Không có lý do gì để thuế thu nhập cá nhân ở bậc 7 hiện là 35%, cao gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp", vị LS nói.

>> Sửa Luật thuế thu nhập cá nhân sát với thực tiễn

Kinh nghiệm từ quốc tế

Trả lời báo chí, bà Lê Thị Kiều Nga, chuyên gia về thuế tại KPMG bày tỏ, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân của một số nước trên thế giới. Ví dụ như ở Mỹ, ngoài cho phép giảm trừ chi phí trả lãi vay trên khoản cầm cố nhà, họ còn cho giảm trừ cả chi phí y tế hay tổn thất do trộm cắp, tai nạn.

Mặt bằng giá cả mới được thiết lập không chỉ gây tổn hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp, mà còn tác động trực tiếp tới túi tiền người tiêu dùng

Ở Pháp, lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh được coi là một khoản giảm trừ vào thu nhập, tránh tình trạng kinh doanh ở ngoài thua lỗ nhưng vẫn phải đóng thuế từ tiền lương. Nước Pháp còn cho giảm trừ chi phí nuôi dưỡng người già trên 75 tuổi cùng sống với mình nữa.

Còn ở Nhật Bản, chi phí đi lại, chi phí đào tạo nâng cao công nghệ/kiến thức cần thiết trực tiếp để thực hiện nhiệm vụ công việc được phép giảm trừ.

“Về giảm trừ gia cảnh, tôi cho rằng hai mức giảm trừ cho cá nhân và người phụ thuộc theo Luật thuế thu nhập cá nhân mới đã từng bước phù hợp với thực tế đời sống kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cũng cần theo dõi sát diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), sức mua của đồng Việt Nam và tốc độ tăng trưởng GDP để có sự điều chỉnh cho kịp thời phù hợp. Ngoài ra, các yêu cầu về điều kiện, giấy tờ chứng minh người phụ thuộc cũng nên được rà soát để đảm bảo tính thực tiễn và triển khai được trên thực tế.

Mặc dù mức thuế suất cao nhất 35% của Việt Nam không phải là cao so với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Thụy Điển (56,6%), Đan Mạch (55,4%), Hà Lan (52%), Úc, Bỉ, Anh (50%) hay Nhật Bản (50%). Vấn đề là ở chỗ độ giãn cách giữa các bậc thuế theo quy định thuế thu nhập cá nhân của các nước khá lớn, trong khi với Việt Nam, biểu thuế suất quá dày với các bước thuế ngắn gây áp lực không nhỏ cho cá nhân người nộp thuế, đặc biệt là những người có thu nhập ở mức thấp do thu nhập của họ chỉ vừa nhích lên đã rơi vào bậc thuế cao hơn”, bà Nga phân tích.

Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, Luật thuế thu nhập cá nhân ở nước khác có quy định khá hoàn chỉnh về giảm trừ cá nhân, giảm trừ gia cánh và các khoản giảm trừ thu nhập chịu thuế khác. Vì vậy, thuế suất thực tế sẽ không cao góp phần làm giảm gánh nặng thuế cho cá nhân. Nhiều người nước ngoài đến Việt Nam cảm thấy khá bất ngờ khi quy định về mức giảm trừ gia cảnh ở Việt Nam hiện nay còn quá thấp, không phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống; ngoài ra quy định về các khoản giảm trừ khác còn khá hạn chế.

Một vấn đề nữa là ở nước ngoài, ví dụ như Úc, một cá nhân có nhiều nguồn thu nhập như thu nhập từ tiền lương tiền công và thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì phần thuế thu nhập đánh trên thu nhập từ hoạt động kinh doanh đã nộp sẽ được trừ khi xác định số thuế thu nhập cá nhân cuối cùng phải nộp, do đó không có hiện tượng thuế đánh trùng lên thuế như ở Việt Nam.

Ngoài ra, ở Việt Nam nếu nộp thừa thuế thì xin hoàn thuế rất khó khăn và mất thời gian khiến người nộp thuế phải bỏ cuộc, khác hẳn với quy trình hoàn thuế ở nước ngoài rất đơn giản, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.