Góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định tránh nguy cơ chồng chéo…
Theo đó, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp , Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) vừa có văn bản trả lời Công văn số 1712/BKHCN-TĐC ngày 07/06/2023 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa (Dự thảo).
VCCI vừa có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa - Ảnh minh họa: ITN
Tại văn bản góp ý, VCCI cho rằng, Dự thảo quy định về việc quản lý hoạt động truy xuất nguồn gốc với các loại sản phẩm, hàng hoá. Tuy nhiên, các quy định này có nguy cơ không thống nhất, chồng chéo với các quy định về truy xuất nguồn gốc khác do các Bộ chuyên ngành ban hành, chẳng hạn, Thông tư 25/2019/TT-BYT, Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các quy định trong Dự thảo chỉ phù hợp với các đối tượng sản xuất công nghiệp quy mô lớn, có tính đồng nhất cao mà không phù hợp với các đối tượng nông sản có đặc điểm đồng nhất toàn chuỗi thấp. Ví dụ, mã truy xuất nguồn gốc, vật mang dữ liệu… áp dụng cho các công đoạn sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi, thuỷ sản… là không khả thi.
Ngoài ra, nhiều quy định tại Dự thảo không thống nhất với các quy định khác, Thông tư 25/2019/TT-BYT, Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT đã quy định về các thông tin lưu trữ, và phân theo lô sản xuất, trong khi Dự thảo quy định các thông tin lưu trữ theo công đoạn. Một số thông tin lưu trữ trong Dự thảo mà không có trong Thông tư 25/2019/TT-BYT như hình ảnh hàng hoá, các công đoạn sản xuất, mã truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn, quy chuẩn được áp dụng.
Trong đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định tránh nguy cơ chồng chéo - Ảnh minh họa: ITN
“Mặc dù, Điều 7.2 Dự thảo đã giao việc xác định nhóm sản phẩm, hàng hoá bắt buộc thực hiện, ưu tiên triển khai cho từng bộ, ngành. Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa xác định được hiệu lực giữa các văn bản nói trên, chẳng hạn nếu xác định nhóm hàng nông sản thuộc nhóm bắt buộc thực hiện thì thực hiện theo Dự thảo hay Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT?”, VCCI nhìn nhận.
Do vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại các quy định trong Dự thảo, trong đó, cân nhắc bổ sung quy định loại trừ phạm vi áp dụng với một số sản phẩm, hàng hoá đã được điều chỉnh theo pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh góp ý đã nêu, cũng theo VCCI, Điều 5.4 Dự thảo quy định về kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia. Tuy nhiên, quy định trên còn tương đối chung chung, không rõ ràng, và do đó có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số vấn đề về: Việc kết nối lên Cổng thông tin có bắt buộc hay không?; Yêu cầu kỹ thuật và trình tự, thủ tục kết nối với Cổng thông tin như thế nào? được quy định ở đâu?;…”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, Điều 12 Dự thảo quy định các hệ thống truy xuất nguồn gốc đã vận hành phải thực hiện đánh giá sự phù hợp theo quy định tại Điều 5, tuy nhiên, theo VCCI, Dự thảo không có quy định về thời hạn chuyển tiếp để doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu mới. Điều này có thể hiểu doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng các yêu cầu này tại thời điểm Thông tư có hiệu lực. Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực của Thông tư (kể từ khi ban hành) thường tương đối ngắn, việc này có thể khiến các doanh nghiệp bị động, gặp khó khăn trong việc nghiên cứu, chuẩn bị và đáp ứng các yêu cầu này.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thời hạn chuyển tiếp, có thể cân nhắc khoảng thời gian 1 năm.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...