Bên cạnh những kỳ vọng về việc tháo gỡ những vướng mắc, tắc nghẽn, cải thiện môi trường đầu tư,… các chuyên gia cho rằng, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại…
>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần “gỡ vướng” về thẩm quyền, trình tự thủ tục đầu tư
Luật Dầu khí được Quốc hội ban hành năm 1993 và đã trải qua 3 lần sửa đổi, bổ sung. Trong gần 30 năm qua, Luật Dầu khí cùng các văn bản hướng dẫn đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện hiệu quả hoạt động dầu khí , đưa Việt Nam từng bước tham gia thị trường dầu khí khu vực và thế giới. Tuy nhiên, trước bối cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi trong hoạt động khai thác và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch bao gồm dầu thô và khí đốt, luật này cần được tiếp tục sửa đổi.
Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), cần đảm bảo quyền lợi cho các dự án đã tồn tại - Ảnh minh họa (Nguồn: PVEP)
Theo đó, việc sửa đổi Luật Dầu khí, bổ sung quy định về ưu đãi đầu tư được cho là rất cần thiết, nhằm cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Điều này đã được các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đặc biệt quan tâm, xem xét và đưa vào Dự thảo, thể hiện quyết tâm tạo ra đột phá thể chế, khôi phục lại tính hấp dẫn trong môi trường đầu tư lĩnh vực Dầu khí.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, việc cho phép các dự án dầu khí đã và đang triển khai trước ngày Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật Dầu khí (sửa đổi) là phù hợp và cần bổ sung điều này vào Dự thảo Luật. Việc này cũng phù hợp với chính sách đảm bảo đầu tư cho các nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, phù hợp với bất kỳ hệ thống pháp luật nào trên thế giới về đảm bảo đầu tư; đồng thời cũng phù hợp với thực tiễn triển khai các hoạt động dầu khí, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là nâng cao tính thực thi và hiệu lực của các chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.
Theo các chuyên gia, việc bổ sung nội dung về đảm bảo đầu tư tại Điều khoản chuyển tiếp trong Luật Dầu khí (sửa đổi) là cần thiết, phù hợp và đảm bảo tính thống nhất trong quy định pháp luật đầu tư của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 Luật Đầu tư năm 2020 về Bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật đã quy định: Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư mới, ưu đãi đầu tư cao hơn thì nhà đầu tư hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư, trừ ưu đãi đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 20 của Luật này. Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án đầu tư.
>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Gỡ chồng chéo pháp luật
Dàn khai thác trung tâm mỏ Bạch Hổ - Ảnh minh họa (Nguồn: PVEP)
Thông tin với báo chí trước đó, ông Nguyễn Minh - Trưởng ban pháp lý và thương mại Eni Việt Nam bày tỏ, mục đích của Luật Dầu khí là làm cho môi trường đầu tư dầu khí ngày càng tốt hơn để có thêm những nhà đầu tư mới và giữ lại những nhà đầu tư đang đầu tư tại Việt Nam, trong bối cảnh rất khó khăn của ngành Dầu khí trên toàn thế giới, mặc dù giá dầu đang có cải thiện nhưng xu hướng chuyển dịch năng lượng chi phối rất lớn.
“Việc cho phép chuyển tiếp để áp dụng Luật Dầu khí (sửa đổi) nhằm tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn đang diễn ra trong hoạt động của ngành cũng đang được nhà đầu tư trông chờ”, ông Minh chia sẻ.
Cụ thể như, Dự thảo Luật hiện hành đã có quy định tại khoản 4 Điều 63: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được sử dụng tiền từ việc bán phần sản phẩm dầu, khí lãi của nước chủ nhà từ các hợp đồng dầu khí trước khi xác định lãi được chia cho nước chủ nhà nộp ngân sách nhà nước để thanh toán các chi phí, nghĩa vụ gồm: Các chi phí thuộc trách nhiệm của nước chủ nhà theo quy định tại hợp đồng dầu khí được Petrovietnam thực hiện thay; Các nghĩa vụ đối với phần sản phẩm dầu khí của nước chủ nhà nhận được từ hợp đồng dầu khí do Petrovietnam thực hiện thay; Chi phí quản lý, giám sát các hợp đồng dầu khí; Chi phí duy trì hợp đồng dầu khí hoặc thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các chuyên gia cho rằng, việc áp dụng quy định về xử lý chi phí của Petrovietnam cũng cần được quy định tại Điều khoản chuyển tiếp để cho phép giải quyết được các vấn đề vướng mắc liên quan đã và đang phải xử lý trước thời điểm Luật Dầu khí (sửa đổi) có hiệu lực…
Từ đó, để đảm bảo tính thống nhất và khả thi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền, và tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu, theo các chuyên gia, cần quy định việc xử lý chi phí của Petrovietnam theo quy định tại khoản 4 Điều 63 được áp dụng đối với các hợp đồng dầu khí được ký kết trước ngày Luật Dầu khí mới có hiệu lực.
Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước, được Nhà nước giao, ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước là theo đúng tinh thần của Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) về phân cấp, phân quyền và cũng phù hợp với hệ thống pháp luật dầu khí ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tất nhiên, trong Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng có kèm theo các cơ chế giám sát, như giám sát của Bộ Công Thương, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...