Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8. Dự thảo Luật được đánh giá là có những sửa đổi, bổ sung có thể ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tổ chức, DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Lãnh đạo Ban Pháp chế của VCCI cho biết, sau khi lấy ý kiến, các DN nhận xét nội dung một số quy chuẩn chưa rõ ràng, chưa thống nhất nên gây khó khăn khi áp dụng, chẳng hạn quy chuẩn về an toàn cháy nô cho công trình hay quy chuẩn kỹ thuật kèm điều kiện đầu tư kinh doanh về thóc gạo…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho hay, hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có các cam kết về tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật (TBT) theo các nguyên tắc không phân biệt đối xử, không tạo rào cản không cần thiết với thương mại quốc tế. Do đó, đại diện Trung tâm WTO khuyến nghị, dự thảo Luật sửa đổi cần đưa ra các nguyên tắc, yêu cầu cốt lõi trong trình tự thủ tục xây dựng, công bố, ban hành, áp dụng các TBT cũng như các biện pháp quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp…
Từ góc độ DN, đại diện Công ty Canon Việt Nam cho hay, dự thảo chưa có quy định về việc công nhận, thừa nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn nước ngoài mà vẫn phải có thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau. Việt Nam đang tích cực tham gia vào các FTA và các tổ chức kinh tế quốc tế thì việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới, đồng thời giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường quốc tế. Do vậy, việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật nước ngoài có sẵn sẽ tránh việc xây dựng quá nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật không cần thiết, gây lãng phí.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa VCCI và Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia (STAMEQ) về phối hợp và hợp tác giữa hai bên nhằm tăng cường hỗ trợ các hoạt động quản lý nhà nước và hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
Nội dung chương trình hợp tác tập trung vào ba vấn đề chính.
Thứ nhất, rà soát nội dung và đánh giá việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật nhằm loại bỏ rào cản không cần thiết ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN và hỗ trợ tạo thuận lợi cho DN liên quan tới tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật/quy định kỹ thuật, thủ tục đánh giá sự phù hợp trong và ngoài nước.
Thứ hai, tăng cường sự tham gia của DN và hiệp hội vào hoạt động của Ban kỹ thuật xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam, Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc tế, Hội đồng thẩm định các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động phổ biến cho các DN và hiệp hội trong nước nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật, các yêu cầu kỹ thuật trong nước và của các thị trường xuất khẩu mục tiêu hiện đang và dự kiến áp dụng.
Theo Anh Minh (Báo Chính phủ)
https://baochinhphu.vn/doanh-nghiep-gop-y-ve-xay-dung-tieu-chuan-quy-chuan-ky-thuat-102240807193444068.htm
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...