Các ngân hàng tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém sẽ được hưởng lợi từ Luật các TCTD (sửa đổi). (Nguồn ảnh: VPB)
Ngày 18/01/2024, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Các Tổ chức tín dụng (Luật các TCTD sửa đổi). Luật chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, ngoại trừ một số điều khoản sẽ có hiệu lực từ 01/01/2025.
Qua đó những vấn đề liên quan đến sở hữu chéo, chi phối TCTD, hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm, can thiệp sớm các TCTD yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) sẽ có tác động nhiều nhất đến hoạt động của các ngân hàng niêm yết. Có thể nói, Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ là hành lang pháp lý quan trọng góp phần giúp hệ thống hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng khẳng định, Luật các TCTD (sửa đổi) có ý nghĩa lớn trong việc quản lý và điều hành hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, minh bạch và tiệm cận với các quy định quốc tế. Trong ngắn hạn, những nội dung của Luật sẽ có tác động nhất định đến hoạt động của các ngân hàng thương mại( NHTM) cổ phần niêm yết. Điều này tạo tiền đề cho các ngân hàng khoẻ tiếp tục giữ vững thị trường, các ngân hàng yếu kém có cơ hội trụ vững...
Vậy những thay đổi chính nhìn từ Luật các TCTD (sửa đổi) sẽ tác động cụ thế đến cổ phiếu của nhóm ngân hàng niêm yết như thế nào? CTCK Yuanta Việt Nam phân tích ở các khía cạnh như sau:
Giảm trần sở hữu tại ngân hàng: Tỷ lệ sở hữu tối đa của các cổ đông tổ chức, cổ đông và người liên quan theo quy định sẽ giảm, nhưng không áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Đây là qui định hợp lý nhằm tránh rủi ro tập trung, nhưng không thay đổi tỷ lệ sỡ hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng.
Hạn chế mới về hạn mức cấp tín dụng : Giảm hạn mức tín dụng cho khách hàng và người có liên quan. Tuy nhiên, sự thay đổi sẽ theo lộ trình diễn ra trong 5 năm thay vì một lần. Qui định này hướng tới sự an toàn hệ thống, nhưng có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng.
Theo CTCK Yuanta Việt Nam, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các ngân hàng, nhưng các ngân hàng TMCP Nhà nước và ngân hàng tư nhân như HDB, MBB, VPB tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém ít bị ảnh hưởng từ quy định này.
Việc quy định về nắm giữ bất động sản: Do việc xử lý nợ, có một thay đổi là kéo dài thời hạn nắm giữ bất động sản do xử lý nợ lên 5 năm, thay vì 3 năm. Việc gia hạn thời gian nắm giữ bất động sản liên quan đến xử lý nợ sẽ giúp các ngân hàng có thêm thời gian để giải quyết các thách thức liên quan đến xử lý nợ xấu.
Một điểm nữa, hiện các ngân hàng có tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu là dự án bất động sản đã được thu giữ hoặc đang chuyển nhượng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 trước ngày hiệu lực của Luật này nhưng chưa xử lý xong, thì được tiếp tục áp dụng Nghị quyết 42 từ ngày 1/1/2024 cho đến khi xử lý xong. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho các ngân hàng ví dụ như STB.
Cấm ngân hàng bán bảo hiểm mà khách hàng không tự nguyện mua: Áp dụng với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng và không kèm khoản vay. Hiện các ngân hàng có thu nhập phí chủ yếu đến từ bancassurance (như LPB, EIB, ACB, STB, MBB) có thể sẽ bị tác động.
Tuy nhiên theo Yuanta Việt Nam, điểm đáng chú ý liên quan đến quyền lợi của những ngân hàng sẽ tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, bao gồm sẽ không phải hợp nhất báo cáo tài chính của các ngân hàng yếu kém (không ảnh hưởng đến CAR, LDR). Hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc giảm 50%, các nhà băng này được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ… Mặt khác những nhà băng như HDB, MBB, VCB, VPB, là những ngân hàng sẽ tham gia vào việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và sẽ được hưởng lợi từ các ưu đãi (như hạn mức tín dụng cao, mở rộng mạng lưới)...
Như vậy, nhóm cổ phiếu các ngân hàng niêm yết sẽ chịu tác động trực tiếp từ việc Luật các TCTD (sửa đổi), nhưng nhìn chung những thay đổi này mang tính tích cực và các nhà băng cũng sẽ được hưởng lợi khi Luật (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.
Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...