Bên cạnh những chính sách mới được ban hành như Nghị định số 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (có hiệu lực thi hành từ 15/02/2022) nhằm tạo thêm hành lang pháp lý cho việc bảo vệ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam, thì mới đây, Bộ Công Thương cũng vừa có thông báo cho các doanh nghiệp trong nước về 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.
Cụ thể 11 mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra gồm: Mặt hàng gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đệm mút, đá nhân tạo, gạch men, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và các mặt hàng lốp xe, xe đạp điện xuất khẩu sang cả Mỹ và EU.
Đây không phải là câu chuyện mới, thế nhưng, đã và đang tồn tại tiềm ẩn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đối tượng làm ăn bất chính, nếu không có sự quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời từ các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, hàng hóa Việt Nam có thể sẽ đứng trước nguy cơ mất chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Thực tế, thống kê từ năm 2019 đến hết tháng 10/2021, lực lượng Hải quan đã phát hiện, xử lý 165 vụ vi phạm về xuất xứ, nhãn mác hàng hóa, tuy nhiên, đây vẫn là hiện trạng diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Nói không xa, ngay trong thị trường nội địa, không ít thương hiệu cũng đã từng đứng trước việc bị xâm hại về nhãn mác, xuất xứ như: Nhựa Tiền Phong, Cáp điện Trần Phú, Bia Sài Gòn,… ngoài nhựa, bia, cáp điện,… không ít mặt hàng khác như may mặc, đồ gia dụng, bê tông, cốt thép,… cũng đã bị xâm hại bởi các doanh nghiệp, đối tượng làm ăn bất chính.
Đây là hiện trạng không chỉ đe dọa, gây ảnh hưởng riêng đối với các thương hiệu của Việt Nam, mà một số sản phẩm của các doanh nghiệp FDI được bảo hộ độc quyền cũng đã và đang có dấu hiệu bị xâm hại.
Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhận được phản ánh về hiện trạng sản xuất cọc bê tông ly tâm có nhãn mác 环台 (Hwantai - Hoàn Đài) được bảo hộ độc quyền bởi Công ty TNHH Hwantai Việt Nam (doanh nghiệp chuyên sản xuất cọc bê tông của Đài Loan), có trụ sở tại, KCN Phú Mỹ 1, Thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, sản phẩm mang nhãn mác này lại được sản xuất hàng loạt tại nhiều nhà máy trên một số tỉnh, thành như: Thanh Hóa, Quảng Bình, Hải Dương, Quảng Ngãi,… bởi nhiều doanh nghiệp khác nhau.
Cụ thể, theo phản ánh, tại Công ty TNHH cơ khí chế tạo và bê tông Fecon Nghi Sơn, có trụ sở tại Cảng nước sâu PTSC, Nghi sơn, Tĩnh gia, Thanh Hóa, vào cuối tháng 01/2021, doanh nghiệp này đã sản xuất, hoàn thiện và xuất đi một lô hàng cọc bê tông ly tâm mang nhãn mác 环台 (Hwantai - Hoàn Đài).
Không chỉ được sản xuất tại Công ty TNHH cơ khí chế tạo và bê tông Fecon Nghi Sơn, cọc bê tông ly tâm mang nhãn mác 环台 (Hwantai - Hoàn Đài) cũng được sản xuất và xuất đi tại Công ty TNHH bê tông Phan Vũ Quảng Bình, có trụ sở tại KCN Cảng biển Hòn La, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình với 03 lô hàng (một lô cuối tháng 02/2021 với số lượng 8.000 cọc, một lô giữa tháng 3/2021 với số lượng 3.500 cọc và lô đầu tháng 4/2021 với số lượng 10.500 cọc), địa điểm tập kết và chuyển hàng là tại Cảng Hòn La.
Những doanh nghiệp đã nêu, chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp đã và đang sản xuất cọc bê tông ly tâm mang nhãn mác 环台 (Hwantai - Hoàn Đài) được đăng ký bảo hộ độc quyền bởi Công ty TNHH Hwantai Việt Nam.
Để thông tin được đa chiều, khách quan, PV cũng đã liên hệ phản ánh tới Công ty TNHH Hwantai Việt Nam (doanh nghiệp được đăng ký bảo hộ độc quyền) và trực tiếp liên hệ, đặt lịch làm việc với Công ty TNHH cơ khí chế tạo và bê tông Fecon Nghi Sơn; Công ty TNHH bê tông Phan Vũ Quảng Bình, tuy nhiên, các doanh nghiệp đều né tránh trả lời những phản ánh PV gửi tới.
Ngoài thực trạng đã nêu, theo nguồn tin của PV, trong khoảng thời gian từ 25/12 – 30/12/2021 sẽ tiếp tục có một lô hàng cọc bê tông ly tâm mang nhãn mác 环台 (Hwantai - Hoàn Đài) được tập kết về kho bãi tại Cảng Cái Mép – Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để vận chuyển hàng đi Đài Loan, lô hàng này do 02 nhà máy tại Long An sản xuất.
Gian lận xuất xứ, nhãn mác, nếu không có sự quản lý và vào cuộc quyết liệt từ doanh nghiệp được bảo hộ độc quyền cho tới các cơ quan chức năng, thì việc “vàng thau lẫn lộn” sẽ cứ tiếp tục tái diễn một cách ngang nhiên, tương lai những sản phẩm được sản xuất trong nước bởi các doanh nghiệp chân chính có bị “vấy bẩn” bởi những “con sâu làm rầu nồi canh” hay không? Quan hệ đối tác thương mại song phương giữa Việt Nam - Đài Loan (đối tác thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam trong năm qua) sẽ bị ảnh hưởng như nào, nếu những sản phẩm được xuất đi không đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn?
Chưa kể, chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại với các đối tác lớn, chủ yếu là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)... với nhiều quy định ngặt nghèo. Nếu không xử lý nghiêm những doanh nghiệp, đối tượng gian lận xuất xứ, nhãn mác sẽ còn bị ảnh hưởng tới mức độ nào?
Để tránh ảnh hưởng đến uy tín nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp làm ăn chân chính, Diễn đàn Doanh nghiệp xin được chuyển tiếp những phản ánh này đến các cơ quan liên quan vào cuộc làm rõ và sẽ tiếp tục thông tin!
Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp