Cần tiếp tục phát huy “điểm tựa” chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

2024-01-23 14:20:21

Trước những khó khăn, thách thức của kinh tế trong nước năm 2023, để tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi, phát triển năm 2024, theo chuyên gia, cần tiếp tục phát huy “điểm tựa” chính sách…

Theo dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng kinh tế 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực; các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023 sẽ có tác động rõ nét hơn vào nền kinh tế; các động lực về đầu tư (bao gồm cả đầu tư tư nhân, FDI, đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước), tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; các vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, không ít dự báo cũng chỉ ra rằng, năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường

kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, không ít dự báo cũng chỉ ra rằng, năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Vì vậy, để có thể hỗ trợ doanh nghiệp có không gian phục hồi, phát triển trong năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục phát huy những “điểm tựa” từ chính sách. Trong đó, hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần sự chung tay hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ giảm lãi suất, thuế, phí, cải cách hành chính sớm đi vào thực chất.

Nhìn nhận về vấn đề đã nêu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khẳng định, năm 2024 tiếp tục là năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp do quá trình phục hồi kinh tế thế giới vẫn còn chậm, nhu cầu về hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất, kinh doanh sẽ giảm, trong khi thu nhập của người dân không cao, nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng không lớn.

Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời gian tới, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ, giải quyết khó khăn về vốn của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Cùng với đó, duy trì chính sách hỗ trợ trong thời gian tới, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi.

Để tạo khoảng không gian cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, năm 2024, những “điểm tựa” từ

chính sách cần tiếp tục được phát huy - Ảnh minh họa

“Về phía các doanh nghiệp, cần nhanh chóng thay đổi chiến lược kinh doanh để bắt kịp nhu cầu khách hàng. Ngay cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm truyền thống cũng phải cập nhật, đón đầu các xu hướng và cải tiến sản phẩm, tận dụng mọi cơ hội vượt qua thách thức trước mắt”, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Thực tế cho thấy, để có thể tạo không gian, động lực thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm rất lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp bằng các chủ trương, chính sách cụ thể.

Và một trong động lực quan trọng đem đến nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp trong năm 2024, đó là việc hàng loạt các Luật quan trọng sửa đổi đã được Quốc hội thông qua, nổi bật có thể kể đến như: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng,… đây được cho là những nền tảng pháp lý vô cùng quan trọng, là động lực phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Cùng với đó, để phát huy tối đa hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp trong hành trình phục hồi và phát triển, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Chính phủ đã quyết định ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia. Sự quay trở lại của Nghị quyết như một sự động viên với cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra một niềm tin - một động lực để các doanh nghiệp thấy rằng Chính phủ đang đồng hành.

Cụ thể, tại Nghị quyết 02/NQ-CP, Chính phủ đã đặt ra 7 giải pháp trọng tâm bao gồm: Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững và nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Đáng nói, Chính phủ cũng đặt mục tiêu số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng ít nhất 10% so với năm 2023; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng dưới 10% so với năm 2023.

Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi của các động lực tăng trưởng này, các doanh nghiệp kỳ vọng, các chính sách, văn bản thực thi Luật sớm được xây dựng, hoàn thiện, đồng thời, những giải pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp đặt ra tại Nghị quyết 02/NQ-CP cần nhanh chóng được các cấp đưa vào cuộc sống, giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, vượt qua khó khăn, thách thức, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp