Cần thiết xây dựng luật chính phủ số

2021-12-23 21:02:09

Hơn một thập niên qua, không chỉ khu vực tư nhân đang nỗ lực “chuyển mình” mà chính các chính phủ và các cơ quan khu vực công cũng đẩy nhanh tiến trình ‘số hoá’,...

>>Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025

Hiện nay, Chiến lược chuyển đổi số được coi là một trong những chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam với mục tiêu đưa “ Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp” .

Nền tảng Chính quyền số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam vừa được UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT chính thức khai trương.

Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số

Để hiện thực hoá 03 trụ cột được nêu ra trong chiến lược chuyển đổi số, gồm chính phủ số , kinh tế số , xã hội số, Việt Nam đã từng bước ban hành các chiến lược cụ thể. Trong đó, chiến lược chính phủ số là chiến lược đầu tiên, được ban hành vào ngày 15/6/2021 kèm theo quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Có thể thấy, Việt Nam đã có những chiến lược thể hiện quan điểm, tầm nhìn, định hướng và các mục tiêu cụ thể trong quá trình chuyển đổi số cũng như xây dựng và hoàn thiện chính phủ số tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bởi những chiến lược trên đều mới được ban hành nên quá trình chuyển đổi từ chính phủ điện tử lên chính phủ số tại Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn đầu. Xét về hoạt động số hoá cũng như việc tương tác của chính quyền với người dân, mặc dù một số dịch vụ công đã dần dần được thực hiện qua mạng nhưng toàn bộ quy trình vẫn chưa được số hoá hoàn toàn; một vài công đoạn vẫn cần sự tương tác và thực hiện trực tiếp.

Việc phổ biến, hướng dẫn người dân tham gia và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến vẫn cần được phổ biến rộng rãi bởi kỹ năng số của đại đa số người dân và giữa các khu vực là khác nhau. Về hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa được hiện đại hoá và có sự thống nhất giữa các cơ quan và các cấp chính quyền. Một ví dụ là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trong giai đoạn đầu, trước khi có ứng dụng PC-COVID thì hàng loạt các ứng dụng được ra đời với những nhiệm vụ khác nhau, khiến người dân gặp khó khăn trong việc sử dụng. Về vấn đề dữ liệu, mặc dù có những nỗ lực trong việc hệ thống hoá dữ liệu trên cổng thông tin quốc gia, nhưng những dữ liệu đang được cung cấp lại không đem đến nhiều giá trị và phù hợp với nhu cầu của người dân cũng như doanh nghiệp.

Như vậy, Luật chính phủ số sẽ trở thành cơ sở pháp lý thống nhất các nguyên tắc vận hành của chính phủ khi được số hoá, đảm bảo các cơ quan nhà nước có phương hướng tổ chức và hoạt động trong việc cung ứng dịch vụ công, tương tác với người dân hiệu quả thông qua môi trường trực tuyến. Đồng thời, văn bản luật này cũng có thể đặt ra các cơ chế, hệ thống đảm bảo danh tính số của người dân trong quá trình tương tác với chính quyền, từ đó, người dân sẽ được hưởng lợi và bảo vệ an toàn.

>>Số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính

Các vấn đề cốt lõi cần quan tâm khi xây dựng luật chính phủ số

Với thực trạng chuyển đổi số và quá trình từ chính phủ điện tử tiến tới chính phủ số ở Việt Nam hiện nay, năm vấn đề cốt lõi cần quan tâm khi xây dựng luật chính phủ số bao gồm:

Thứ nhất , cần xác định đối tượng và chủ thể mà luật dự kiến điều chỉnh. Về đối tượng, luật chính phủ số sẽ là văn bản điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau trong việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu, nhằm làm dữ liệu được liên thông, “chảy” giữa các cơ quan một cách nhanh chóng, hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, luật này cũng cần điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân. Như vậy, chủ thể mà văn bản này điều chỉnh không chỉ là các cơ quan nhà nước, mà còn có thể là các cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Thứ hai , cần hướng tới xây dựng chính phủ số theo nguyên tắc “ Chính phủ như một nền tảng ” (Government as platform); theo đó, người dân có thể tương tác với chính quyền thông qua các kênh Internet hay ứng dụng di động một cách thuận tiện, dễ dàng, an toàn và hiệu quả. Tính an toàn có thể được hiện thực hoá thông qua hệ thống xác thực danh tính số (eID).

Thứ ba , về cơ cấu tổ chức và thiết chế, theo kinh nghiệm của các quốc gia, luật chính phủ số hay một đạo luật tương tự là cơ sở để từ đó thành lập một cơ quan có chức năng, nhiệm vụ gồm cải thiện các hoạt động công nghệ thông tin trong các cơ quan chính phủ, xây dựng các chính sách công nghệ quan trọng liên quan đến đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin, bảo mật thông tin, quyền riêng tư, quản trị dữ liệu khu vực công,…

Thứ tư , về vấn đề quản trị và công bố dữ liệu, luật chính phủ số cần hướng đến 2 vấn đề: thứ nhất, tạo lập một hệ thống - ‘một ngôi nhà chung’ về dữ liệu cho toàn quốc để đạt được tính thống nhất trong kết nối, tạo lập cơ sở dữ liệu chung, phân quyền tiếp cận và khai thác dữ liệu trong nội bộ khu vực công. Thứ 2 chú trọng nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm trong việc cung cấp các dịch vụ và dữ liệu, từ đó gia tăng giá trị của khai thác dữ liệu. Khi quan hệ cung cầu tương xứng với nhau, trong đó khu vực công là một nguồn cung dữ liệu trọng yếu, thì giá trị của dữ liệu trong thời đại số mới đem lại lợi ích tối đa cho cả chính phủ, người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm , về vấn đề cơ sở hạ tầng cho chính phủ số, trọng tâm nên tập tập trung vào sử dụng điện toán đám mây. Đây là hạ tầng quan trọng nhất, bởi hiệu quả bởi điện toán đám không chỉ hoạt động như một trung tâm lưu trữ dữ liệu hay một máy chủ hiệu quả mà giá trị của nó còn đem lại từ tính an toàn, bảo mật, khả năng triển khai linh hoạt, nhanh chóng và khả năng mở rộng quy mô khi cần thiết để đáp ứng các mục tiêu của chính phủ kỹ thuật số. Điều này sẽ giúp các chính phủ tiết kiệm các khoản ngân sách đầu tư vào các công nghệ lưu trữ tại chỗ.

Tuy nhiên, vấn đề cần nghiên cứu thêm là cơ chế để sử dụng hạ tầng đám mây trong khu vực công tại Việt Nam trên thực tiễn. Thông thường, các chính phủ có thể tự xây dựng hạ tầng đám mây với nguồn nhân lực nội tại hoặc mua sắm dịch vụ điện toán đám mây từ các công ty đám mây bên ngoài chính phủ. Như vậy, trong quá trình xây dựng luật chính phủ số, việc tự xây dựng hạ tầng đám mây hay “thuê” dịch vụ sẽ là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo tính an toàn, phù hợp chi phí và nguồn nhân lực.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh nghiệp!