Để hạn chế những bất cập đã và đang tồn tại, đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, chuyên gia cho rằng, nên sớm sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm thuế suất…
>> Cần xem xét thay đổi toàn diện quy định về thuế thu nhập cá nhân
Thông tin từ Bộ Tài chính cho biết, đơn vị đang giao Tổng cục Thuế rà soát, đánh giá các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân . Và theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Bộ sẽ hoàn thiện dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi vào năm 2025.
Luật Thuế thu nhập cá nhân được cho đã và đang tồn tại những bất cập, tạo gánh nặng cho người nộp thuế - Ảnh minh họa: Internet
Trong khi, thực tế thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân đã và đang cho thấy quá nhiều bất cập, chẳng hạn như đầu tư chứng khoán, bất động sản lỗ vẫn phải nộp thuế.
Cụ thể, trên thị trường, nhiều cổ phiếu giảm 70 - 90% trị giá so với hồi đầu năm. Giá mua, giá bán đều rất minh bạch trên hệ thống điện tử, nhưng kinh doanh lỗ, nhà đầu tư vẫn phải nộp thuế. Điều này cho thấy chính sách thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán, bất động sản không đúng với bản chất của sắc thuế này, bởi đã là thuế thu nhập thì có lợi nhuận mới nộp thuế.
Bên cạnh đó, có những quy định cũng được cho là vô lý như cách tính thuế đối với khoản thu nhập trúng xổ số. Người chơi may mắn trúng vài tỷ đến vài trăm tỷ đồng cũng chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân mức 10% sau khi trừ đi 10 triệu đồng. Nhưng với người lao động, làm công ăn lương, mức thuế cao nhất lên tới 35%.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần sớm rà soát các bất cập trong Luật thuế này để đề xuất Chính phủ, trình Quốc hội sửa đổi càng sớm càng tốt, theo hướng giảm mức thuế ở bậc thuế đầu tiên xuống 1 - 1,5% để giảm gánh nặng cho người nộp thuế.
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Tránh trường hợp thua lỗ vẫn phải nộp thuế
Nhiều ý kiến đề nghị, nên sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm thuế suất - Ảnh minh họa: TKL
Thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) thừa nhận, đời sống người lao động nói chung và người nộp thuế thu nhập cá nhân nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn, cần phải xem xét sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân càng sớm càng tốt nhằm hỗ trợ người nộp thuế cũng như nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo ông Long, trong hai năm dịch COVID-19 bùng phát và đến năm nay, chi phí giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu như giá nhà, học phí, viện phí... đều tăng mạnh, khiến thu nhập của người dân bị bào mòn. Thu nhập không tăng, thậm chí giảm nhưng chi phí ăn, ở, đi lại trong gia đình, học hành của con... đều tăng. Trong khi đó, cách xác định tiền thuế chỉ căn cứ vào thu nhập, áp vào để tính thuế là không hề ổn, gây thiệt thòi cho người nộp thuế thu nhập cá nhân.
“Người nộp thuế thu nhập cá nhân cũng là đối tượng quan trọng trong khâu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ. Khi thu nhập giảm sút, họ sẽ hạn chế chi tiêu, doanh nghiệp sản xuất sẽ gặp khó và nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng”, ông Long chia sẻ.
Cũng theo ông Long, việc so sánh với các nước phát triển, rằng khoản thu thuế thu nhập cá nhân đóng góp 30 - 40% tổng thu ngân sách nhưng ở Việt Nam mới đạt 9%, là rất khập khiễng. Bởi, tại các quốc gia này, chi phí học hành, khám chữa bệnh... đều miễn phí.
“Ngoài khoản giảm trừ gia cảnh một mức nhất định, người dân vẫn được trừ tiền mua nhà, lãi vay ngân hàng... trước khi tính thuế thu nhập cá nhân. Còn ở Việt Nam, khoản giảm trừ gia cảnh chưa đủ chi tiêu nhu cầu thiết yếu, người nộp thuế còn không được trừ tiền mua nhà, tiền học cho con, khám chữa bệnh cho bản thân...", ông Long bày tỏ.
Chia sẻ về những bất cập của thuế thu nhập cá nhân, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh -Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng cho rằng, nhiều quy định của thuế thu nhập cá nhân đang quá lỗi thời, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh. Do đó, cần cấp bách thay đổi ngay mức chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với mức sống hiện nay của xã hội.
“Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trên 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Với mức lạm phát của Việt Nam khoảng 3 - 4%/năm, phải mất 5 - 6 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ cho người lao động là không phù hợp, trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế rồi. Do đó, Chính phủ cũng như các cơ quan nên xem xét chỉ cần CPI tăng 10% hoặc cần thiết có thể tiến tới điều chỉnh mức này hàng năm để tốt hơn”, ông Thịnh bày tỏ.
Theo ông Thịnh, việc lấy CPI làm thước đo điều chỉnh mức tính thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh cũng không phù hợp. Bởi nền kinh tế phát triển, GDP tăng, thu nhập bình quân tăng dẫn tới mặt bằng sống tăng lên, vì thế, mức điều chỉnh cần lấy CPI cộng với mức tăng trưởng GDP và mức tăng đời sống của người dân để đảm bảo người chịu thuế phù hợp với mặt bằng chung đời sống xã hội.
Ngoài ra, với mức 11 triệu đồng/tháng hiện nay không đủ sống ở đô thị nên không thể coi đó là mức thu nhập cao để làm mốc phải đóng thuế. Vì vậy, các cơ quan nên tính toán nâng mức thu nhập tối thiểu phải đóng thuế nên để ở 15 - 20 triệu đồng/tháng.
Và để hạn chế những bất cập đã và đang tồn tại, đảm bảo công bằng cho người nộp thuế, nhiều ý kiến đề nghị, nên sớm sửa Luật thuế thu nhập cá nhân theo hướng giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ mức cao nhất là 35% xuống còn 25%, đồng thời, kéo giãn các bậc thuế trong biểu thuế lũy tiến từng phần để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế.
Ngoài ra, đối với người phụ thuộc, các ý kiến cũng đề nghị tăng lên 10 triệu/người thay vì mức 4,4 triệu/người hiện nay, đặc biệt, nếu có thu nhập hàng tháng từ 1 triệu đồng cũng cần phải được xem là người phụ thuộc, bởi mức này chỉ bằng 1/3 so với tiêu chuẩn hộ nghèo tại TP. Hồ Chí Minh và cũng không ai có thể sống với mức thu nhập này.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...