Các tình huống pháp luật: Mức lương tối thiểu được tính như thế nào?

2022-06-16 09:21:00

VCCI mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp không chỉ tránh được những rủi ro về pháp luật lao động, mà còn hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

>>Các tình huống pháp luật: Công ty trả lương theo tháng có phải xây dựng định mức lao động?

VCCI sẽ tiến hành hướng dẫn thực hiện một số tình huống trong thực tiễn mà nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn trong trong quá trình áp dụng. Tại mỗi tình huống người đọc không chỉ nắm bắt được các quy định mới, mà còn có được những điểm mà người sử dụng lao động cần lưu ý hoặc những gợi ý về quy trình, thủ tục, cách thức tiến hành của doanh nghiệp.

Ảnh minh hoạ

Tình huống 17: Lao động phổ thông làm việc không trọn thời gian, NSDLĐ có phải trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng hiện nay không? Mức lương tối thiểu giờ tính thế nào?

Theo quy định tại Điều 91 BLLĐ 2019 thì mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. CP quyết định và công bố mức lương tối thiểu tương ứng với từng thời kỳ.

Tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01 tháng 01 năm 2020 đến nay quy định mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Cho đến nay chưa có hướng dẫn cụ thể như thế nào là công việc giản đơn nhất? như thế nào là điều kiện lao động bình thường. Tuy nhiên, trong BLLĐ 2019 và một số luật chuyên ngành liên quan đều có quy định liên quan đến nội dung này như: công việc không cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ trở lên tương đương với thời gian thử việc không quá 6 ngày (Khoản 3 Điều 24); công việc thuộc danh mục nghề, công việc NNĐHNH; danh mục nghề, công việc ĐBNNĐHNH (Luật An toàn và vệ sinh lao động 2015); danh mục nghề, công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con (Khoản 1 Điều 142 BLLĐ). Hiện nay, một số doanh nghiệp thường sử dụng khái niệm “lao động phổ thông” để chỉ NLĐ làm các công việc giản đơn nhất mà chưa phản ánh được điều kiện lao động của họ.

NSDLĐ có thể tuyển NLĐ vào làm việc không trọn thời gian cho mình. Điều 32 BLLĐ2019 quy định NLĐ làm việc không trọn thời gian là NLĐ có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc NQLĐ.NLĐ làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với NLĐ làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Vì vậy, để tuân thủ quy định này, NSDLĐ cần lưu ý nếu NLĐ làm công việc giản đơn, trong điều kiện lao động bình thường, NSDLĐ phải đảm bảo trả lương tương đương (hoặc cao hơn) mức tiền lương tính theo số ngày hoặc giờ hoặc tháng của NLĐ làm việc trọn thời gian làm việc.

Mặc dù mức lương tối thiểu theo giờ đã được quy định tại Điều 91 BLLĐ 2012, tuy nhiên, hiện nay CP chưa công bố mức lương tối thiểu theo giờ. Vì vậy, trong trường hợp, NSDLĐ và NLĐ thoả thuận trả lương theo giờ thì mức lương trả theo giờ không được bằng hoặc thấp hơn mức lương theo giờ tính từ mức lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc bình thường trong tháng của NSDLĐ.

Theo thông lệ quốc tế mức lương tối thiểu theo giờ luôn cao hơn mức lương theo giờ tính từ mức lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc bình thường trong tháng để nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Trường hợp hai bên thoả thuận trả lương theo sản phẩm mà NLĐ đảm bảo thời gian làm việc theo thoả thuận và hoàn thành mức sản phẩm được giao thì mức lương nhận được của NLĐ không thấp hơn mức tiền lương tính theo số ngày hoặc giờ hoặc tháng mà NLĐ làm việc trọn thời gian làm việc hoặc mức lương thực nhận tính theo giờ phải cao hơn mức lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc bình thường trong tháng của NSDLĐ. Trường hợp trả lương theo hình thức khoán, hai bên thoả thuận mức khoán tiền lương và ghi trong HĐLĐ để thực hiện.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.