05 lưu ý khi soạn thảo hợp đồng lao động năm 2021

2021-10-21 13:41:27

Soạn thảo hợp đồng lao động là vấn đề tất yếu đối với mỗi doanh nghiệp. Trên thực tế, mặc dù số lượng hợp đồng lao động trong một doanh nghiệp khá nhiều nhưng không thể khẳng định được mọi hợp đồng lao động được soạn ra đều đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động. Dưới đây là 05 lưu ý khi soạn thảo hợp đồng lao động năm 2021 mà doanh nghiệp cần lưu ý.

1. Soạn thảo hợp đồng lao động dựa trên căn cứ pháp lý còn hiệu lực

Từ ngày 01/01/2021 Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực thay thế Bộ luật lao động 2012. Do đó, thay vì sử dụng căn cứ pháp lý của Bộ Luật lao động 2012 doanh nghiệp khi soạn thảo hợp đồng lao động phải được dựa trên Bộ luật Lao động 2019 và các văn bản hướng dẫn kèm theo và tránh trường hợp sử dụng mẫu hợp đồng lao động cũ trước đây để áp dụng ký kết.

2. Đảm bảo đầy đủ nội dung cơ bản của hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật lao động 2019, khi soạn thảo hợp đồng lao động doanh nghiệp phải đảm bảo nội dung cơ bản sau đây:

• Tên, địa chỉ của doanh nghiệp và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía doanh nghiệp;

• Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

• Công việc và địa điểm làm việc, trường hợp, NLĐ làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì doanh nghiệp ghi các địa điểm chính người lao động làm việc trong hợp đồng lao động.

• Thời hạn của hợp đồng lao động: cần nêu rõ thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của hợp đồng lao động (đối với hợp đồng xác định thời hạn) hoặc nêu rõ thời điểm bắt đầu thực hiện hợp đồng (đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn);

• Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác: (Ghi cụ thể tiền lương theo thang lương hoặc bảng lương, hình thức trả lương và thời hạn trả lương)

• Chế độ nâng bậc, nâng lương;

• Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; (mỗi ngày làm việc không quá 8 giờ, tuần làm việc không quá 48 giờ)

• Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

• Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

• Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.

Bên cạnh những nội dung nêu trên, doanh nghiệp có thể bổ sung một số nội dung khác để phù hợp với tính chất, đặc thù công việc của doanh nghiệp.

3. Hình thức giao kết hợp đồng lao động

Căn cứ theo Điều 14 Bộ luật Lao đông 2019, hợp đồng lao động có thể được giao kết dưới 03 hình thức sau:

• Giao kết bằng văn bản;

• Giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu;

• Giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng.

Với quy định này đã bổ sung thêm hình thức giao kết hợp đồng lao động thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu và có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.

Có thể thấy, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và NLĐ xác lập quan hệ lao động. Do đó, doanh nghiệp còn cần linh hoạt trong việc truyền đạt nội dung hợp đồng phù hợp với từng hình thức giao kết để đạt được hiệu quả cao nhất.

4. Chỉ còn 02 loại hợp đồng lao động

Bộ Luật lao động 2019 đã bỏ đi quy định về loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Theo đó, hợp đồng lao động chỉ còn được giao kết theo một trong hai loại sau đây:

• Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

• Hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời gian không quá 36 tháng.

Như vậy, từ năm 2021, khi soạn thảo hợp đồng lao động, doanh nghiệp và NLĐ không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ, trường hợp giao kết hợp đồng mùa vụ sẽ được xem là giao kết hợp đồng trái với quy định pháp luật.

5. Có thể thỏa thuận thử việc trong nội dung hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điều 24 Bộ Luật lao động 2019, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Theo quy định cũ tại Điều 26 Bộ Luật lao động 2012 quy định doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thoả thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc.

Theo đó. từ năm 2021, doanh nghiệp có thể thêm điều khoản thử việc vào hợp đồng lao động, thay vì phải lập hợp đồng thử việc riêng khi soạn thảo hợp đồng lao động để giảm bớt thủ tục khi tiếp nhận lao động.

Lưu ý: Không thử việc đối với người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng.

Theo Pháp Lý Khởi Nghiệp