Với hàng loạt các sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về xuất - nhập cảnh nếu được thông qua, sẽ tạo đà cho du lịch phát triển…
>> Sửa Luật về xuất nhập cảnh: Chính sách cần phù hợp với thông lệ chung
Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam hiện đang được Quốc hội cho ý kiến, xem xét và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Với hàng loạt các sửa đổi, bổ sung mang tính đột phá, Dự thảo Luật này được kỳ vọng sẽ tạo đà cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung phát triển.
Cụ thể Dự thảo Luật đã sửa đổi 7 Điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, trong đó, sửa đổi các quy định của Luật để tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài xuất nhập cảnh Việt Nam. Như: Dự thảo Luật đã quy định nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị 1 lần hoặc nhiều lần; mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; phù hợp chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật. Sửa đổi, bổ sung các quy định để tăng cường công tác quản lý cư trú người nước ngoài tại Việt Nam nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp người nước ngoài vi phạm tại Việt Nam như bổ sung trách nhiệm của cơ sở lưu trú, nghĩa vụ của người nước ngoài trong việc xuất trình hộ chiếu và giấy tờ có giá trị cư trú theo quy định; đổi tên Chương VII của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và bổ sung một điều quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan hoạt động của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam…
Đánh giá về Dự thảo Luật này, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, Hội đồng tư vấn du lịch ủng hộ và đồng tình các chính sách đề xuất tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Các chính sách sửa đổi, bổ sung lần này đã nhằm đúng vào các điểm yếu của chính sách thị thực của Việt Nam. Các chính sách này khi được thông qua và có hiệu lực thi hành chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển ngành Du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, thu hút nhiều hơn nữa lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam; giúp đa dạng hóa thị trường đối với ngành Du lịch.
>> Tạo điều kiện để người Việt Nam, người nước ngoài xuất nhập cảnh
Theo ông Chính, các thay đổi chính sách về thị thực sẽ có tác động không chỉ đối với ngành Du lịch, mà còn tác động tốt đến ngành Hàng không, trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư của người nước ngoài đối với Việt Nam cũng sẽ tốt hơn. Như vậy, chính sách thị thực không chỉ là chính sách ngắn hạn có tác động ngay đối với ngành Du lịch mà nó còn có tác động lan tỏa để thúc đẩy các ngành kinh tế khác nhau.
Không chỉ được các chuyên gia đánh giá cao, tại Nghị trường kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về Xuất – Nhập cảnh cũng nhận được sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong khi chúng ta đang xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn nhưng lượng khách du lịch giảm. Chính vì vậy, việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh là phù hợp với thực tiễn hiện nay để người nước ngoài đến Việt Nam thuận lợi hơn, dễ dàng hơn và cũng tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài.
Thực tế, thị thực điện tử được cấp thí điểm từ năm 2017 dưới hình thức trực tuyến cho người nước ngoài chỉ có giá trị 1 lần và thời hạn không quá 30 ngày. Đây cũng chính là một trong những điểm nghẽn khiến ngành du lịch của nước ta chưa phục hồi được như kỳ vọng.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, phương án tăng thời hạn thị thực điện tử như trong Dự thảo Luật sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn như: tạo thuận tiện cho nhu cầu nghỉ dưỡng, du lịch cho khách nước ngoài đến Việt Nam. Đặc biệt, tăng cơ hội khai thác, tìm hiểu thị trường hay tìm kiếm cơ hội đầu tư mới. Bởi lẽ, đây là những công việc đòi hỏi thời gian lưu trú dài.
“Hơn nữa, thời gian miễn thị thực của các nước ASEAN cũng rất dài, từ 30 đến 45 ngày, thậm chí lên đến 90 ngày lưu trú như ở Thái Lan, còn Việt Nam mới chỉ là 15 ngày. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật về xuất nhập cảnh chẳng những nâng cao hiệu quả của hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội nói chung, phát triển ngành du lịch nói riêng”, vị đại biểu này bày tỏ.
Trước đó, cho ý kiến về Dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - Lê Tấn Tới cũng nêu rõ, các quy định mới sẽ mang lại sự ưu ái đặc biệt cho khách nước ngoài và thuận lợi trong việc thực hiện trình tự, thủ tục của cơ quan quản lý, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...