Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Dấu hỏi khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa

2022-06-16 09:29:00

Mặc dù thời gian triển khai thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” cho đến nay không phải là ngắn, tuy nhiên, công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa vẫn để lại nhiều dấu hỏi lớn...

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: “Góc khuất” giá sách giáo khoa

Theo đó, đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã triển khai thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” sang năm học thứ hai, ở các lớp 1, 2 và lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình sẽ tiếp tục thực hiện ở lớp 3, 7 và 10. Tuy nhiên, công tác biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK) vẫn còn đó nhiều câu hỏi lớn.

Đáng nói, dù qua rất nhiều cơ quan thẩm định , thế nhưng SGK mới vẫn để lọt nhiều “sạn”. Và trên thực tế, tình trạng “sạn” trong SGK liên tục được dư luận nhắc tới rất nhiều trong suốt 2 năm học qua từ khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai.

Dù qua rất nhiều cơ quan thẩm định, thế nhưng SGK mới vẫn để lọt nhiều “sạn” trong suốt 2 năm học qua, từ khi Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai - Ảnh minh họa

Và bản thân các đơn vị phát hành của cả 5 bộ SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021 cũng đều đã thừa nhận, có “sạn” trong những sản phẩm của mình và đã đưa ra phương án chỉnh sửa, khắc phục. Điều này cũng đồng nghĩa các NXB đã thừa nhận những sai sót, hạn chế trong các bộ sách của mình.

Từ đó có thể thấy, dù qua nhiều vòng thẩm định, sau cùng mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt, thế nhưng, chỉ đến khi SGK đi vào giảng dạy, những “hạt sạn” không đáng có mới được dư luận, phụ huynh phát hiện ra.

Mặc dù, hàng loạt lỗi sai đã được dư luận xã hội liên tục góp ý cho SGK của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) ngay từ bộ sách dành cho học sinh lớp 1 học, thì đến năm học 2021 - 2022, các lỗi về SGK lớp 2, lớp 6 cũng của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” tiếp tục lặp lại khiến phụ huynh và giáo viên thất vọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, hơn bất cứ loại tài liệu nào, SGK phải bảo đảm tính nhất quán cao. Mỗi tập sách có hẳn một bảng giải thích thuật ngữ (gọi là Phụ lục 2; trang 134 – 135, tập 1 và trang 111 – 112, tập 2 của cuốn ngữ văn lớp 6). Tuy nhiên, nhiều định nghĩa trong bảng này không khớp với định nghĩa đã dạy học sinh ở các bài học.

Ví dụ như: ở bài học về truyền thuyết, SGK định nghĩa: “Truyền thuyết là loại truyện dân gian kể về các sự kiện và nhân vật ít nhiều có liên quan đến lịch sử, thông qua sự tưởng tượng, hư cấu” (trang 4 Ngữ văn, tập 2). Nhưng đến bảng phụ lục thì truyền thuyết từ “truyện dân gian” bỗng trở thành “truyện cổ dân gian” và các đặc điểm nghệ thuật được đảo vị trí thành “hư cấu, tưởng tượng”, chứ không phải “tưởng tượng, hư cấu” nữa. Đáng nói, bảng phụ lục cắt nghĩa “hư cấu” là “tưởng tượng”.

Mặc dù rất nhiều “hạt sạn” đã được dư luận liên tiếp chỉ ra, thế nhưng, gần đây nhất, sách Tiếng Việt lớp 1, bộ sách “Kết nối tri thức và cuộc sống” của NXB GDVN tiếp tục khiến dư luận xã hội “xôn xao” khi đã bỏ chữ cái P ra khỏi danh mục dạy học.

>> Những “ung nhọt” của ngành giáo dục: Bán sách giáo khoa “bia kèm lạc”

Dư luận đã liên tục lên tiếng, nhưng việc xử lý "sạn" trong SGK của Bộ GD&ĐT vẫn dậm chân tại chỗ - Ảnh minh họa

Nói về thực trạng đã nêu, các chuyên gia cho rằng, sách Tiếng Việt chưa dạy chữ P là việc làm khó hiểu, là chủ trương không đúng và lạc hậu so với tình hình.

Mặc dù sau đó, Tổng chủ biên sách Tiếng Việt 1 của bộ “Kết nối tri thức và cuộc sống” đã đưa ra lý giải và GS.TS Mai Ngọc Chừ - Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Tiếng Việt lớp 1 cũng nêu quan điểm đồng tình với nhóm tác giả.

Theo ông Chừ, hội đồng thẩm định đã thông qua có nghĩa là chấp nhận, hội đồng đã trình lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng đã ký có nghĩa là Bộ trưởng chấp nhận.

Tuy nhiên, liên quan tới vấn đề này, thông tin với báo chí, PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông thẳng thắn cho rằng, NXB GDVN cũng như đội ngũ biên soạn sách cần sớm điều chỉnh. Từ thực tiễn rõ ràng đòi hỏi NXB Giáo dục Việt Nam phải có tinh thần tiếp thu.

“Nhưng đó là lý thuyết. Trên thực tế, nhiều ý kiến đóng góp cho nhà xuất bản này từ hai năm nay cũng khá nhiều, nhưng dường như họ chẳng mấy quan tâm. Việc họ, họ vẫn cứ làm. Ở ta, lâu nay vẫn tồn tại một thực tế như vậy. Báo chí nói là quyền của báo chí. Cuối cùng chỉ có Nhân dân và học trò chịu thiệt”, PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt trăn trở.

Dư luận quan ngại, liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK hay không? - Ảnh minh họa

Được biết, sau những phản ánh của dư luận về những “hạt sạn” trong SGK lớp 1, Bộ GD&ĐT đã ban hành quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 2 trên cơ sở các thành viên đã tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1 và bổ sung một số thành viên mới. Mỗi hội đồng có trung bình 7-15 thành viên. Mỗi người sẽ có 15 ngày nghiên cứu bản thảo SGK độc lập, sau đó sẽ tập trung thảo luận, nghe tác giả báo cáo về nội dung bản thảo SGK.

Hội đồng quốc gia thẩm định SGK được thực hiện theo hai vòng (vòng một, vòng hai), dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản thảo SGK và kết luận ở ba mức: Đạt; đạt nhưng cần sửa chữa; không đạt. Các thành viên hội đồng thẩm định phải tuyệt đối không tham gia các công việc liên quan đến biên soạn, xuất bản SGK, đồng thời bảo mật thông tin, dữ liệu liên quan đến hoạt động thẩm định SGK.

Thế nhưng, những gì Bộ GD&ĐT đã thực hiện không đem lại kết quả như kỳ vọng, bộ SGK dành cho học sinh lớp 2, lớp 6 năm học 2021 – 2022 cũng của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” tiếp tục lặp lại “sạn” khiến phụ huynh và giáo viên thất vọng.

Trước thực trạng đã nêu, không ít dấu hỏi lớn đã được đặt ra đối với khâu biên soạn, thẩm định SGK của Bộ GD&ĐT, trong đó có vấn đề về chuyên môn và trách nhiệm trong thi hành.

Và tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đây cũng là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm của các Cử tri và đại biểu Quốc hội, trong đó, không ít ý kiến nhấn mạnh: “Có những vấn đề mà báo chí và đại biểu Quốc hội đã đặt ra suốt từ kỳ họp trước đến kỳ họp này nhưng chưa được giải quyết, như là những sai sót trong cả 3 bộ SGK lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của NXB GDVN”.

Hay những bất cập trong Thông tư số 25/TT-BGDDT của Bộ GD&ĐT về lựa chọn SGK dẫn đến việc bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục, rồi vai trò hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của Bộ GD&ĐT trong việc lựa chọn SGK để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch… Thậm chí cũng còn có câu hỏi đặt ra, liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn SGK hay không?

Đây là vấn đề lớn cần được Bộ GD&ĐT, các cơ quan chức năng vào cuộc và làm rõ một cách công khai, minh bạch tránh để thành “tiền lệ xấu”, ảnh hưởng đến chất lượng của nền giáo dục nước nhà và là khối “ung nhọt” không thể cắt bỏ.

Nguồn: Diễn Đàn Doanh Nghiệp.