Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương (DCCI) cung cấp công cụ, thông tin để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về chất lượng công tác quản lý, điều hành kinh tế của cơ quan cấp tỉnh và huyện.
Sáng 23/5, tại TP. Vinh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh tại Nghệ An tổ chức Hội nghị giới thiệu Báo cáo Phương pháp luận Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022.
Dự hội nghị có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành, thị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Ảnh: T.L |
Hiện nay, để đo lường mức độ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính đã có rất nhiều bộ chỉ số được công bố ở cấp độ cả nước, cụ thể như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI tổ chức thực hiện, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-Index) theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố.
Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) được thực hiện bởi Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 2011; Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) do Bộ Nội vụ ban hành.
Đồng chí Hoàng Vĩnh Trường - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: T.L |
Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 665/KH-UBND ngày 29/9/2022 về việc "Xây dựng bộ chỉ số và khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) tỉnh Nghệ An năm 2022". Đây là bước đi đột phá và quyết liệt của lãnh đạo tỉnh để hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện, bền vững.
TS Lê Duy Bình - Giám đốc Điều hành Economica Việt Nam trình bày về DDCI và Báo cáo Phương pháp luận Bộ Chỉ số DDCI. Ảnh: T.L |
Bộ Chỉ số DCCI có vai trò và ý nghĩa to lớn vì nó cung cấp công cụ, thông tin để cộng đồng doanh nghiệp đánh giá về chất lượng công tác quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện một cách hệ thống, đồng thời, đo lường sự hài lòng về môi trường đầu tư, kinh doanh và cảm nhận về triển vọng kinh doanh tại Nghệ An.
Đại diện các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị. Ảnh: T.L |
Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Economica Vietnam - đơn vị tư vấn chuyên sâu về DCCI, VCCI giới thiệu về ý nghĩa, chi tiết cách làm, các bước triển khai.... để giúp các cơ quan sở, ban, ngành, địa phương nắm vững mục tiêu, các nội dung về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương, từ đó, nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Bùi Xuân Sinh - Giám đốc VCCI chi nhánh tại Nghệ An phát biểu tham luận hội nghị. Ảnh: T.L |
Bên cạnh đó, đánh giá năng lực cạnh tranh của sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã tỉnh Nghệ An là cơ sở để sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm, đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại của những lĩnh vực được khảo sát.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: T.L |
Còn về phía các doanh nghiệp, thông qua hoạt động khảo sát, đánh giá giúp lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương nhìn nhận rõ những mặt tích cực, những tồn tại, hạn chế để khắc phục, từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động của nền hành chính công./.
Nguồn: Báo Nghệ An.