Tư tưởng Hồ Chí Minh và sứ mệnh của doanh nhân Việt

2024-05-21 15:37:26

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định tại Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”, chiều 14/5.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quan điểm, tư tưởng trên nhiều lĩnh vực, trong đó về văn hóa và kinh tế, Người từng nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Giới Công Thương đồng hành với dân tộc

Dù không trực tiếp nhắc tới văn hóa kinh doanh, nhưng đối với các khía cạnh liên quan tới xí nghiệp, doanh nghiệp và doanh nhân, Người đã có khoảng 100 bài nói, viết, điện thư đề cập tới, cho thấy tâm huyết, tình cảm và sự quan tâm của Người đối với cộng đồng doanh nghiệp và giới công thương Việt Nam.

Đặc biệt, đối với giới công thương, Người khẳng định giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước - thành viên của mặt trận Việt Minh.

Người cũng nhấn mạnh, giới công thương phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Người nhắc nhở giới công thương phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, kịp thời, chớ chây ỳ.

Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh.

Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…

Toàn cảnh diễn đàn.

“Thấm nhuần tư tưởng của Người về văn hóa, kinh tế, doanh nghiệp và doanh nhân, Đảng và Nhà nước đã có những quan điểm, chủ trương cụ thể về xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.

Trong đó, tại Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI đã nêu: “Thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế... Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững và bảo vệ Tổ quốc”.

Nghị quyết Đại hội XII làm rõ thêm: “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh vì sự phát triển bền vững của đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Gần đây nhất, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.

Nghị quyết cũng đưa ra bảy nhóm nhiệm vụ giải pháp, trong đó dành hẳn một nhóm nhiệm vụ giải pháp về “Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

VCCI đã xác định xây dựng văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VCCI đã xác định xây dựng văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo đó, thời gian qua VCCI đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động có liên quan, như nghiên cứu, xây dựng, công bố và phát động thực hiện 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam nhân dịp sinh nhật Bác ngày 19/05/2022.

Sáu quy tắc đạo đức doanh nhân, bao gồm tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng, liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.

Năm 2023, VCCI cũng đã phát động cuộc thi, lựa chọn và công bố ca khúc truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam “Hào khí doanh nhân Việt Nam”; VCCI cũng đã phối hợp với với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam; triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045”.

Tinh thần Nghị quyết 41

Vẫn theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, với mục tiêu tiếp tục góp phần thúc đẩy xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW, trong thời gian tới thực hiện chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, VCCI sẽ triển khai một số hoạt động cụ thể sau:

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công dẫn phát biểu khai mạc Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”.

Nghiên cứu xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh Việt Nam. Tham gia nghiên cứu, xây dựng Đề án chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới.

Xây dựng và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Tổ chức các hoạt động, các chương trình đào tạo về đạo đức doanh nhân, xây dựng giá trị văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề xây dựng hệ giá trị văn hoá kinh doanh cho các địa phương, ngành nghề.

Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp định kỳ tổ chức, công bố và vinh danh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội của địa phương, quốc gia.

Xây dựng các ấn phẩm để tôn vinh, lan tỏa các tấm gương Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, Nữ doanh nhân Việt Nam tiểu biểu, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Phối hợp với các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp điển hình trong thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm xã hội; kiến nghị xử lý những doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh làm ảnh hưởng tới hình ảnh của doanh nhân Việt Nam.

Phối hợp với Bộ Ngoại giao đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và sản phẩm hàng hóa chất lượng của Việt Nam ra thế giới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa kinh doanh Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế.

Để có cơ sở thực hiện xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, nhất là học tập theo tư tưởng Hồ Chí minh, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã gợi mở một số nội dung cần làm rõ hơn.

Một là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; và vai trò của văn hóa trong hoạt động kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như đối với hình tượng doanh nhân.

Hai là, những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng giới công thương Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vào những tư tưởng, quan điểm về xây dựng đạo đức doanh nhân, đạo đức kinh doanh Việt Nam; và vai trò của vấn đề đạo đức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;

Ba là, cách thức vận dụng những quan điểm, tư tưởng của Người về xây dựng văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Theo Nguyễn Việt (Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp)

https://diendandoanhnghiep.vn/tu-tuong-cua-ho-chi-minh-va-su-menh-cua-doanh-nhan-viet-263297.html