Tổ nhóm ngành tre Nghệ An học tập mô hình quản lý phát triển làng nghề và nâng cao giá trị của sản phẩm tre tại tỉnh Thừa Thiên Huế

2022-03-21 16:08:00

Thực hiện dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu tài trợ trong giai đoạn 2018 – 2022; với mục tiêu góp phần giảm nghèo và bất bình đẳng ở nông thôn Việt Nam thông qua việc trao quyền cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ, đào tạo nâng cao khả năng tiếp cận thị trường và tài chính cũng như hiệu quả sản xuất; VCCI tổ chức 01 chuyến khảo sát thực tế, tham quan và học hỏi kinh nghiệm cho đại diện các làng nghề, tổ nhóm trong chuỗi giá trị Tre tại Nghệ An. Chuyến tham quan với mục đích học tập mô hình quản lý phát triển làng nghề và nâng cao giá trị của sản phẩm tre diễn ra tại HTX Mây tre đan Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tham gia chuyến đi có các đại diện đến từ các tổ nhóm, làng nghề đan lát tại các xã thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An; các tổ nhóm vùng nguyên liệu tại các huyện Quỳ Châu và Quế Phong, Nghệ An; đại diện Công ty TNHH Đức Phong. Ngoài ra, chuyến đi còn sự tham dự của đại diện UBND huyện Quế Phong và lãnh đạo, CBNV Chi nhánh VCCI Nghệ An.

Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ Mây Tre Đan Bao La thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nằm cách trung tâm Thị xã Hương Trà 2km; thuộc làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La với các sản phẩm đặc trưng làm từ nguyên liệu tre ở địa phương, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.

Trong 01 ngày học tập và tham quan, học hỏi tại HTC Mây tre đan Bao La, các tổ nhóm, làng nghề trong chuỗi tre tại Nghệ An đã được: tham quan học hỏi kinh nghiệm bảo tồn, duy trì và phát triển làng nghề mây tre đan truyền thống; học tập mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức, cách thức xây dựng và quản lý làng nghề mây tre đan theo hướng thành lập HTX – Làng nghề; học tập mô hình kinh doanh đối với du khách nước ngoài; học tập cách thức nâng cao thu nhập cho thành viên làng nghề thông qua phát triển thêm các sản phẩm và dịch vụ giá trị gia tăng từ các sản phẩm trong quá trình sản xuất của HTX; hham khảo và học tập các mẫu mã sáng tạo, có giá trị cao, phù hợp với thị hiếu của khách hàng trong và ngoài nước; học tập kỹ năng phát triển thương hiệu sản phẩm, chủ động thực hiện liên kết chuỗi, tiếp cận thị trường.

Đại diện cho Ban Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La, ông Thái Hoán – Phó Giám đốc HTX đã giới thiệu và chia sẻ các thông tin, kiến thức hữu ích nói trên cho các tổ nhóm, làng nghề tại Nghệ An. Ngoài ra, tham dự buổi học tập, ông Thái Phi Hùng – Nghệ nhân đồng thời là PGĐ HTX cũng cho biết thêm về hoạt động cũng như định hướng phát triển mới của HTX nhằm mở rộng thị trường.

Sản phẩm của HTX hiện nay là hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng, trung bình 1 năm HTX thiết kế và cho ra từ 20-30 mẫu mới. Các sản phẩm của HTX được khách hàng ưa chuộng hiện nay bao gồm: đồ lưu niệm, đồ dùng phục vụ khách du lịch; các sản phẩm mâm, khay, rổ, rá, mành che nắng, sọt rác, lồng đèn, túi xách, bình hoa, nan quạt, lồng chim, bàn ghế sofa và các vật dụng khác… cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn, quán café; các sản phẩm rổ rá theo đơn đặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản… Các sản phẩm đều do nghệ nhân của làng nghề sáng tạo nên thông qua bàn tay khéo léo và duy trì đời này qua đời khác nhờ tâm huyết và lòng yêu nghề của nghệ nhân, của các thợ thủ công.

Thành công của HTX – Làng nghề Bao La đến từ sự kết hợp của hai yếu tố, đó là sự thích ứng với xu thế phát triển của thời đại nhưng vẫn coi trọng những giá trị truyền thống. Đây có thể là kinh nghiệm quý giá mà các làng nghề truyền thống nên vận dụng trên hành trình khôi phục và làm sống lại những làng nghề mây tre thủ công, đưa cây tre, cây lùng Việt Nam trở thành nguồn sinh kế bền vững, có giá trị cao cho bà con.

Chương trình khảo sát thực tế "Học tập mô hình tổ chức quản lý và nâng cao giá trị của sản phầm tre tại HTX Mây tre đan Bao La" đã diễn ra thành công tốt đẹp, nội dung chương trình nhận được sự quan tâm của các tổ nhóm làng nghề cũng như đã đạt được mục tiêu của chương trình đề ra. Các bài học kinh nghiệm của HTX Bao La về phát triển và quản lý làng nghề rất thiết thực, hữu ích và tạo nguồn cảm hứng cho các tổ nhóm làng nghề Nghệ An.