Thị trường chuyển đổi số Việt Nam: Tiềm năng lớn, lợi nhuận cao nhưng ngại pháp lý

2024-05-22 10:08:28

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, bà Yvonne Chien - Phó Giám đốc bộ phận Tiếp thị và Phát triển Kinh doanh Toàn cầu của TPIsoftware, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến chuyển đổi số. Tuy nhiên, vẫn có những khung pháp lý và yêu cầu kỹ thuật cần được làm rõ càng sớm càng tốt bởi các doanh nghiệp không có thời gian để chờ đợi.

Được biết, TPIsoftware là công ty phần mềm chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu ở Đài Loan, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo cho lĩnh vực BFSI (ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm). Công ty thành lập năm 2005, có hơn 600 nhân viên với 4 chi nhánh tại Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Nhật Bản.

- Bà có thể cho biết lý do TPIsoftware lựa chọn mở chi nhánh tại Việt Nam thay vì các thị trường khác?

Bà Yvonne Chien: Trước hết, chúng tôi nhận thấy Việt Nam có lợi thế ở sự gần gũi về mặt địa lý và văn hóa với Đài Loan, nguồn nhân lực chất lượng cao cùng với các ưu đãi của Chính phủ đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, xuất phát từ sự hợp tác giữa Chính phủ Đài Loan và Việt Nam, đặc biệt là về lĩnh vực công nghệ, tôi nghĩ hai bên sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp tuyệt vời nếu làm việc cùng nhau.

Chúng tôi cũng tin vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là ở thời điểm hiện tại. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam luôn đứng đầu về nhiều mặt. Các điều kiện như mức thu nhập và mức tiêu dùng đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh đối đầu thương mại Mỹ - Trung, khiến Việt Nam trở thành thỏi nam châm thu hút các tập đoàn toàn cầu.

Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số ngày càng tăng trong khu vực, cho thấy tiềm năng thị trường đáng kể cho các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến của chúng tôi. Bắt đầu từ khi chúng tôi đăng ký thực thể ở đây (Việt Nam), chúng tôi đã có những khách hàng từ Đài Loan.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam nên chúng tôi nhận thấy được tiềm năng tăng trưởng từ nhu cầu này. Do đó, Việt Nam là quốc gia ưu tiên hàng đầu của chúng tôi vì các bạn có tiềm năng và nhu cầu chuyển đổi kỹ thuật số, cũng như nhu cầu về dịch vụ tài chính hoàn toàn tương thích với khả năng của TPIsoftware. Chúng tôi có niềm tin rằng chuyên môn của mình có thể được sử dụng để phục vụ các khách hàng tại đây.

Bà Yvonne Chien, Phó giám đốc bộ phận Tiếp thị và Phát triển Kinh doanh Toàn cầu của TPIsoftware

- Bà đánh giá thị trường Việt Nam có tiềm năng thế nào trong chuyển đổi số? Theo bà, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam hiện đã đến thời kỳ đỉnh cao hay chưa?

Theo nghiên cứu của Ngân hàng phát triển Singapore (DBS) năm 2023 về chuyển đổi kỹ thuật số, Việt Nam xếp thứ 2 trong số 22 quốc gia tham gia nghiên cứu. Vì vậy, đây là một thị trường rất hấp dẫn để mọi người đầu tư. Sự phát triển kỹ thuật số của Việt Nam có tiềm năng mang lại lợi tức đầu tư cao. Tôi nghĩ nhìn chung, Việt Nam chắc chắn là thị trường phù hợp để đầu tư.

Cá nhân tôi đánh giá quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Việt Nam chưa đạt tới trạng thái đỉnh cao. Tôi nghĩ nền kinh tế thực sự đang chậm lại, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả Đông Nam Á nói chung, điều này ảnh hưởng một phần tới quá trình số hoá.

Song song với đó, rất nhiều công ty địa phương đang muốn thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số nhưng họ không biết làm thế nào, thậm chí không biết bắt đầu từ đâu. Họ cần thêm thông tin và công nghệ nước ngoài để giúp họ nhìn thấy bức tranh toàn cảnh và cung cấp cho họ các công cụ/loại hình công nghệ song song.

Ví dụ, theo như tôi biết, hiện chưa có công ty phần mềm địa phương nào của Việt Nam có sản phẩm nền tảng quản lý API (giao dịch lập trình ứng dụng, cho phép các ứng dụng giao tiếp với nhau).

Vì vậy, mọi người vẫn phải mua của các thương hiệu nước ngoài như chúng tôi. Tôi tin rằng đây vẫn là một thách thức lớn trong quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Chỉ khi nào chúng ta tìm được sức mạnh tổng hợp giữa việc kết hợp các khách hàng địa phương với các công ty cung cấp dịch vụ phù hợp, chúng ta mới có thể đưa quá trình chuyển đổi kỹ thuật số vào đúng tiến độ và đúng vị trí nó nên có.

- Theo bà, rào cản lớn nhất khi các công ty công nghệ nước ngoài làm việc tại Việt Nam là gì?

Văn phòng tại Việt Nam của chúng tôi đã được thành lập vào năm 2019, nhưng vài năm qua vì COVID-19 nên tình hình rất khó khăn cả với công ty trong nước lẫn các công ty nước ngoài như chúng tôi.

Một trong những thách thức lớn nhất là việc đáp ứng các yêu cầu pháp lý và cạnh tranh với các đối thủ tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi đã tận dụng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp tại Việt Nam để xây dựng uy tín và điều chỉnh phương án kinh doanh theo hướng hiệu quả hơn.

Một rào cản lớn khác là ngôn ngữ. Để phục vụ thị trường địa phương, bạn cần hiểu văn hóa, ngôn ngữ địa phương cũng như hoạt động kinh doanh tại đây. Đó là lý do tại sao chúng tôi có một đội ngũ địa phương tận tâm, khôn ngoan về mặt kỹ thuật và hiểu biết về kinh doanh để đảm bảo rằng chúng tôi có thể cung cấp các dịch vụ và sản phẩm được bản địa hóa cho các khách hàng.

Là một doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam, bà có đề xuất gì cho Chính phủ Việt Nam để giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong tiến trình số hoá của Việt Nam?

Nếu có điều gì cần cải thiện, có lẽ đó là về mặt pháp lý và quy định trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tôi biết Việt Nam đã và đang rất nỗ lực về vấn đề này. Đối với các công ty nước ngoài, tính đầy đủ về mặt pháp lý là rất quan trọng. Ví dụ, việc thực thi Nghị định số 13/2023/ND-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam vào năm ngoái đã đưa ra những hướng dẫn rõ ràng để các công ty Đài Loan tuân theo. Hy vọng rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ thấy luật pháp Việt Nam hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, lấy một ví dụ về lĩnh vực cần cải thiện như ngân hàng mở (OpenBanking), Đài Loan là một trong những khu vực đầu tiên tại châu Á triển khai OpenBanking, Việt Nam cũng đang cố gắng đi theo hướng này, nhưng tôi nghĩ tới nay vẫn chưa có một khung pháp lý và khung yêu cầu kỹ thuật một cách rõ ràng. Có lẽ sẽ mất thời gian để phát triển những bộ quy định, nhưng đối với khách hàng doanh nghiệp, họ không có thời gian để chờ đợi. Do đó cần có những yêu cầu rõ ràng càng sớm càng tốt, điều này sẽ được các công ty nước ngoài như chúng tôi rất hoan nghênh.

Tôi biết lĩnh vực ngân hàng mở có thể tồn tại một số rủi ro vì nó yêu cầu chia sẻ mọi thứ, nên Chính phủ vừa phải “mở” nhưng lại không thể “mở hoàn toàn”. Đặc biệt, chúng tôi là một doanh nghiệp nước ngoài, nên mức độ tiếp cận của chúng tôi sẽ rất hạn chế. Hy vọng rằng Chính phủ sẽ cởi mở hơn trong việc chấp nhận công ty nước ngoài, ví dụ như trong đấu thầu, thay vì chỉ mở cửa cho các công ty tài chính địa phương thì cho phép cả các công ty nước ngoài tham gia. Như tôi đã nói về nền tảng quản lý API, hiện các khách hàng Việt vẫn phải tìm các đối tác nước ngoài về sản phẩm này, nhưng vì hạn chế về mặt đấu thầu, cơ hội để tiếp cận khách hàng của chúng tôi vẫn khá hạn chế.

Ngoài ra, quá trình làm việc với chính quyền địa phương còn mất khá nhiều thời gian. Trong kinh doanh, thời gian là tiền bạc, vì vậy tôi mong có những sự tăng tốc nhất định trong việc hoàn tất các hành chính.

- Trân trọng cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!

TPIsoftware là công ty phần mềm chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu ở Đài Loan, chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo cho lĩnh vực BFSI (Ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm). Công ty thành lập năm 2005, có hơn 600 nhân viên với 4 chi nhánh tại Việt Nam, Singapore, Thái Lan và Nhật Bản.

TPIsoftware có mặt tại Việt Nam vào năm 2019, hiện đang cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho hệ thống Cathay United Bank, Cathay Property Insurance, Ngân hàng Indovina và Pharmacity cùng nhiều khách hàng khác trong các lĩnh vực vận tải, Chính phủ, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe,...

Theo Quỳnh Anh (Tạp chí điện tử Đầu tư Tài chính)

https://vietnamfinance.vn/thi-truong-chuyen-doi-so-viet-nam-tiem-nang-lon-loi-nhuan-cao-nhung-ngai-phap-ly-d110880.html