Tại buổi tiếp xúc doanh nghiệp Việt Nam - Thụy Điển, ông Andreas Carlson, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và nhà ở Thuỵ Điển nhận định, doanh nghiệp hai nước có dư địa hợp tác rất lớn trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam và Thụy Điển có mối quan hệ hợp tác truyền thống lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Thụy Điển cũng đã thiết lập sự hiện diện tại Việt Nam trong nhiều năm qua. Mặc dù phía trước còn nhiều thách thức nhưng tôi chắc chắn rằng chúng ta có thể cùng nhau vượt qua chúng và chúng ta có thể tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cả người dân Việt Nam và người dân Thụy Điển.
Với nền tảng hợp tác bền chặt sẵn có, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn, cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác trong thời gian tới. Hiện nay cả hai quốc gia đều đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng là đạt được mức phát thải ròng bằng 0, theo ông Carlson, điều này có thể mở ra cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Thụy Điển và Việt Nam trong việc chống biến đổi khí hậu và đổi mới công nghệ môi trường.
Đồng thời, để đối phó với tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng, Bộ trưởng cho rằng cần có sự đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng thông minh, an toàn và bền vững. Đây là lĩnh vực hợp tác nhiều triển vọng khi các doanh nghiệp Thụy Điển có thể hỗ trợ cải thiện và trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, thành phố thông minh, giao thông thông minh và an toàn.
Bộ trưởng Andreas Carlson cho biết, Thụy Điển là quốc gia dẫn đầu thế giới về phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, bền vững. Cùng với đó, các doanh nghiệp Thụy Điển cũng đang cung cấp các giải pháp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý nước thải, số hóa, 5G, xử lý rác thải..
Với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, có sự ổn định chính trị và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, ông Andreas Carlson nhận định, Việt Nam đang thực sự là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Thụy Điển. Bộ trưởng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục tăng cường các hoạt động trao đổi thông tin, gặp gỡ tiếp xúc để mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân hai nước.
Trao đổi về tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu, đặc biệt là các doanh nghiệp Thụy Điển để đảm bảo điều kiện tối ưu cho việc tìm hiểu thị trường và xác định các đối tác tin cậy tại Việt Nam.
Hiện nay, cơ hội để các doanh nghiệp Thụy Điển mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam là rất lớn. Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa tham vọng này, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 5,9% hàng năm trong hai thập kỷ tới.
Hơn nữa, Việt Nam đã cam kết phát triển theo con đường xanh, bền vững và toàn diện, đồng thời cam kết đạt mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Thành tựu kinh tế và xã hội của Việt Nam dựa trên môi trường kinh doanh thuận lợi và ngày càng được cải thiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước để hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch Phạm Tấn Công cũng đánh giá cao chuyến thăm của Ngài Bộ trưởng tới Việt Nam; đồng thời bày tỏ kỳ vọng doanh nghiệp hai nước sẽ có buổi đối thoại hiệu quả và khám phá những cơ hội hợp tác và đầu tư mới.
Được biết, Thụy Điển nằm trong 10 đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU). Tính đến hết tháng 3/2024, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 360 triệu USD (tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023). Về đầu tư, Thụy Điển đứng thứ 29 trong tổng số 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với 109 dự án còn hiệu lực tổng vốn đăng ký là 733 triệu USD.