Trong kế hoạch triển khai các hoạt động năm 3 của dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu tài trợ, VCCI phối hợp với các đối tác đã tổ chức các chương trình kết nối khách hàng tiềm năng, xúc tiến phát triển thị trường mới tại các tỉnh thành trên cả nước vào tháng 3/2022 tại Tp Đà Nẵng và Hội An, với mục đích tạo cơ hội cho các tổ nhóm làng nghề tre tỉnh Nghệ An được trực tiếp gặp gỡ và trao đổi thông tin với các Công ty tại Đà Nẵng, từ đó tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.
Chương trình có sự tham dự của 35 đại biểu đến từ chính quyền, doanh nghiệp và các tổ nhóm làng nghề tại Nghệ An, cùng với 05 đại biểu đến từ 04 Công ty sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực mây tre đan tại Thành phố Đà Nẵng.
Trong chương trình kết nối, các tổ nhóm làng nghề lần lượt giới thiệu về địa điểm, lịch sử hình thành, quy mô tổ nhóm, các sản phẩm tiêu biểu, sản lượng bình quân, năng lực khai thác và sản xuất… và lẵng nghe các công ty kinh doanh mây tre đan tại Đà Nẵng lần lượt giới thiệu về Công ty, thị trường kinh doanh – xuất khẩu và nhu cầu về các sản phẩm từ tre, lùng của mình. Đại diện các Công ty đã đặt nhiều câu hỏi và trực tiếp trao đổi với đại diện các tổ nhóm làng nghề và vùng nguyên liệu để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đại diện các tổ nhóm làng nghề đan lát và vùng nguyên liệu giải đáp các vướng mắc của khách hàng tiềm năng về sản phẩm, các vấn đề về vận chuyển, bảo quản nguyên liệu và thành phẩm. Tại hội nghị, các khách hàng tiềm năng đã được trực tiếp tham quan, xem xét sản phẩm hàng mẫu, trao đổi với đại diện các tổ nhóm làng nghề về quá trình sản xuất và nhu cầu về sản phẩm cũng như trao đổi thông tin liên hệ tiến tới hợp tác trong tương lai.
Các doanh nghiệp mây tre đan tại Đà Nẵng rất quan tâm đến cây tre tại Quế Phong và Quỳ Châu, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng đang băn khoăn đến kỹ thuật xử ý chống mối mọt và bảo quản, bởi nguyên liệu phục vụ xuất khẩu phải đảm bảo chất lượng, đúng độ khô và không bị nứt, bể. Các tổ nhóm cần có lò sấy thì mới bảo quản được nguyên liệu khi có đơn hàng đặt với số lượng lớn và đảm bảo chất lượng trong quá trình vận chuyển.
Các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đánh giá cao tay nghề và tính thẩm mỹ, tinh xảo của các sản phẩm được làm ra từ bàn tay của các nghệ nhân Nghệ An, họ cũng rất vui mừng khi biết được vùng nguyên liệu tre tại Quế Phong đã có chứng chỉ FSC, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường Châu Âu.
Thông qua chương trình, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng hy vọng được kết nối nhiều hơn với các thợ thủ công đan lát và hy vọng trong tương lai không xa sẽ được đến tận cơ sở sản xuất của các tổ nhóm Nghệ An để có thể chính thức đặt vấn đề về việc hợp tác.
Đại diện các tổ nhóm làng nghề đã cùng trao đổi và giải đáp các vướng mắc của các Doanh nghiệp cũng như nêu ra những khó khăn của tổ nhóm làng nghề tại Nghệ An chưa đáp ứng được nhu cầu của các Doanh nghiệp. Tuy nhiên đại diện Chi nhánh VCCI tại Nghệ An – Bà Đào Thị Kim Hoa đã thay mặt VCCI Nghệ An và Dự án cam kết sẽ hỗ trợ hết sức cho bà con để nâng cao tay nghề, nâng cao năng suất và đồng thời tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ máy móc, thiết bị cho bà con, giúp cho bà con làng nghề đáp ứng được các đơn hàng từ các khách hàng mới.
Ông Nguyễn Mạnh Cần – Tổ trưởng Tổ nhóm làng nghề Nghi Thái, Nghi Lộc cho biết: “Chúng tôi rất mừng vì Dự án đã tổ chức được chương trình thiết thực và hữu ích như thế này. Đến tham dự chương trình kết nối này đều là các nghệ nhân rất tâm huyết của làng nghề, chúng tôi mong muốn sẽ có cơ hội được hợp tác với càng nhiều khách hàng hơn, giúp cho làng nghề đan lát tre thủ công của Nghệ An được duy trì và ngày càng phát triển”. Ông Cần cũng cho biết làng nghề hiện nay chủ yếu đang gia công cho Công ty Đức Phong, nhưng nếu có thêm các đơn hàng lớn thì làng nghề sẽ đầu tư máy móc thiết bị, nhân công và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào để đảm bảo hoàn thành sản phẩm theo yêu cầu.
Chương trình Kết nối các tổ nhóm sản xuất với người mua hàng tiềm năng, xúc tiến phát triển thị trường tại Đà Nẵng và Hội An đã diễn ra thành công tốt đẹp. Nội dung chương trình nhận được sự quan tâm, ghi nhận của các tổ nhóm làng nghề và các Công ty sản xuất, kinh doanh mây tre đan tại Đà Nẵng, cũng như đã đạt được mục tiêu của chương trình đề ra. Thông qua chương trình, các tổ nhóm làng nghề đã có cơ hội được tiếp xúc, gặp mặt, và trực tiếp trao đổi với các khách hàng tiềm năng để tìm hiểu nhu cầu của khách hàng về sản phẩm, mức độ đáp ứng được các đơn hàng, từ đó tiến tới đàm phán để hợp tác lâu dài và mở rộng thị trường.
Nguyễn Hương Giang - Chi nhánh VCCI tại Nghệ An
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...