Tín hiệu tích cực từ thị trường lao động

2022-09-20 09:14:00

Thị trường lao động trong 9 tháng năm 2022 về cơ bản đã phục hồi. Thể hiện qua số lượng người lao động quay trở lại làm việc.

>> Kinh tế Việt Nam “lội ngược dòng” do chủ động và linh hoạt

Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, tác động Covid-19 ngày càng giảm đối với các nhóm xã hội, đặc biệt đối với các nhóm xã hội yếu thế, khó khăn.

TS. Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: QH

TS. Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ với Diễn đàn doanh nghiệp về những chính sách an sinh xã hội và việc làm bền vững bên lề Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022.

- Ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động thời gian qua?

Qua phân tích chúng tôi thấy rằng, thị trường lao động trong 9 tháng năm 2022 về cơ bản đã phục hồi. Tuy nhiên, do vẫn chịu những rủi ro do sự phát triển của thị trường trong nước, đặc biệt nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên rủi ro từ việc suy thoái kinh tế toàn cầu, suy giảm chuỗi cung ứng, nhất là việc thực hiện một số chính sách về phòng chống Covid-19 của một số quốc gia cũng gây tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, điều này cũng ảnh hưởng đến thị trường lao động.

Thị trường lao động Việt Nam phục hồi thể hiện qua số lượng người lao động quay trở lại làm việc, thể hiện qua tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm đã giảm, thể hiện qua tác động Covid-19 ngày càng giảm đối với các nhóm xã hội, đặc biệt đối với các nhóm xã hội yếu thế, khó khăn.

Chúng tôi cũng nhận thấy, mặc dù chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội có bước phát triển trong năm 2022 so với năm 2021, nhưng cũng phải nhìn nhận tỉ lệ bao phủ xã hội trong lực lượng lao động vẫn còn thấp. Hiện nay, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội trong lực lượng lao động chỉ đạt khoảng 35%, do đó còn hơn 60% lực lượng lao động chưa được bao phủ bởi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

Như vậy, sẽ có một lực lượng rất lớn người lao động không có lương hưu khi về già. Đây là một thách thức trong việc thực hiện thành công các chính sách an sinh xã hội, nhất là chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế.

Thực tế, chúng ta đã đạt được rất nhiều thành công trong việc bao phủ bảo hiểm y tế trong nhiều năm qua, và đều hoàn thành hoặc vượt mức chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tuy nhiên, trong bối cảnh rất đặc thù của năm 2021-2022, chỉ tiêu bảo hiểm y tế hiện nay đang có bước sụt giảm vào tháng 7/2022.

Vào thời điểm kết thúc của năm 2021, tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã đạt được 90% dân số. Nhưng đến tháng 7/2022 tỉ lệ bao phủ chỉ ở mức 87%, do đó để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội là phấn đấu đạt chỉ tiêu 92% dân số tham gia bảo hiểm y tế thì chúng ta cần có khoảng 5 triệu người, trong đó có khoảng hơn 2 triệu người đồng bào dân tộc thiểu số chưa có bảo hiểm y tế.

Nguyên nhân là sự thay đổi danh sách xã, thôn khó khăn hay các huyện nghèo sẽ làm ảnh hưởng đến một số đồng bào sinh sống trên địa bàn này ra khỏi các xã vùng 1, 2,3, danh sách các xã, thôn đặc biệt khó khăn thì đều không được nhà nước hỗ trợ.

Vì vậy, Quốc hội trong kỳ họp thứ 3 đã có nghị quyết đề nghị Chính phủ quan tâm, tiếp tục diện bao phủ mở rộng bảo hiểm y tế, đồng thời có giải pháp quyết liệt, đánh giá, phân tích tình hình để có lộ trình hỗ trợ nhóm dân số này. Đặc biệt là với những người dân tộc thiểu số không được hỗ trợ bảo hiểm y tế do điều chỉnh lại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

>> Tăng trưởng kinh tế giúp tránh “lạm phát do tâm lý”

>> Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô là mục tiêu hàng đầu

>> Dòng vốn FDI công nghệ cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam

>> Nền kinh tế chuyển biến từ các gói hỗ trợ

- Có nhiều doanh nghiệp chia sẻ đã gặp rất nhiều khó khăn trong phục hồi và thu hút lao động có tay nghề cao. Vậy, theo ông chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?

Vào thời điểm tháng 6/2022, tỉ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ từ sơ cấp trở lên chỉ đạt khoảng hơn 26% lực lượng lao động. Như vậy, sẽ có hơn 70% lực lượng lao động chưa có bằng cấp chứng chỉ mà mới chỉ qua đào tạo ngắn hạn, đào tạo chung.

Đây là thách thức rất lớn khi chúng ta bước vào một nền kinh tế chuyển đổi số, hội nhập ngày càng sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu… cho nên đòi hỏi lao động phải có chất lượng cao hơn. Thực tế, những ngành có giá trị hàm lượng cao việc tìm kiếm các lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu gặp rất nhiều khó khăn.

Trong giai đoan 2021-2026 khi đất nước chúng ta đã có mục tiêu phát triển trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp, thì chúng ta cũng cần phải tăng cường và đẩy mạnh đào tạo nghề, đẩy nhanh hơn nữa tốc độ người lao động có bằng cấp chứng chỉ được qua đào tạo, từ đó có thể xây dựng được một lực lượng người lao động Việt Nam có trí tuệ, bản lĩnh để đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

- Đại dịch Covid-19 cũng tác động rất mạnh đến người cao tuổi, vậy theo ông chúng ta cần có sự quan tâm như thế nào với những đối tượng này?

Người cao tuổi luôn là nhóm xã hội đặc thù, ở bất kỳ một xã hội nào đang trong quá trình già hoá dân số thì người lao động cao tuổi đều có nhu cầu tìm việc làm, mong muốn có việc làm, nhất là những người lao động cao tuổi còn sức khoẻ. Do đó, việc tạo điều kiện cho họ có được việc làm là rất quan trọng, vì đời sống người cao tuổi còn đang gặp rất nhiều khó khăn, lương hưu chưa đủ đáp ứng được tất cả nhu cầu cuộc sống.

Tôi cho rằng, cùng với việc phát triển thị trường lao động sau đại dịch, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng theo tôi khi thị trường lao động phát triển ổn định, lực lượng lao động quay lại thị trường nhiều thì trong đó cơ hội tìm việc làm cho người cao tuổi sẽ rất cao.

Ủy ban chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các bộ, ngành, cơ quan tăng cường giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật cho các nhóm xã hội yếu thế, trong đó có người cao tuổi, người khuyết tật để làm cho họ đạt được cơ hội quyền con người, quyền công dân sau Covid-19. Đồng thời cũng tăng cường vai trò trách nhiệm của họ tham gia phát triển xã hội trong thời gian tới.

TS. Lâm Văn Đoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội chia sẻ với báo chí. Ảnh: QH

- Một trong những vấn đề lớn khác được dư luận xã hội quan tâm đó là xây dựng chính sách nhà ở cho người lao động. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Nhà ở cho công nhân không phải là vấn đề mới, tuy nhiên nó trở nên gay gắt và bộc lộ nhiều đòi hỏi mang tính cấp bách cần giải quyết, đó là sau đại dịch chúng ta thấy những người công nhân sau khi xem xét lại điều kiện sống trong các nhà trọ thì rất thấp.

Và để xây dựng một lực lượng công nhân lành nghề, có trí tuệ, có bản lĩnh thì phải chăm lo được điều kiện sống cho họ, đặc biệt những điều kiện sống cơ bản cho người lao động. Do đó, nhà ở trở thành tiêu chí rất lớn. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở cho người lao động, trong đó có người công nhân.

Nhưng trên thực tế tình hình thực hiện có chậm chạp, một phần do thủ tục giao đất và nguồn cung cho xây dựng nhà ở, như giá nguyên vật liệu tăng cao. Việc này dẫn đến triển khai gói hỗ trợ gặp những hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cùng với sự nỗ lực cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước thì các thủ tục hành chính đối với đất đai, nguồn vốn vay sẽ được tháo gỡ để từ đó đẩy nhanh nguồn cung về nhà ở góp phần cho người lao động sớm có nhà ở trên thực tế.

- Vẫn theo chia sẻ của các doanh nghiệp, họ cho rằng rất khó khăn trong việc tiếp cận các gói chính sách phục hồi kinh tế của Quốc hội cũng như Chính phủ. Như vậy, theo ông chúng ta cần quan tâm, thiết kế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thời gian tới như thế nào?

Theo đánh giá chung, các gói hỗ trợ về xã hội, đặc biệt về an sinh xã hội cơ bản thành công. Trong số các gói hỗ trợ của chương trình phục hồi phát triển kinh tế, như gói hỗ trợ tại Nghị quyết 03 của UBTVQH hỗ trợ 38.000 tỷ, trong đó có 8.000 tỷ giảm đóng cho người sử dụng lao động, 30.000 tỷ cho người lao động là gói hỗ trợ rất thành công.

Tuy nhiên, cũng có một số bộ phận doanh nghiệp không “mặn mà”, việc này cũng có thể có những lý do khách quan, như gói hỗ trợ chưa đủ giúp vực dậy được doanh nghiệp. Những chính sách cho vay đối với doanh nghiệp, vay xong thì cũng phải trả, qua khó khăn họ phải trả tiền. Trong bối cảnh như hiện nay họ cũng có những lo lắng nhất định về nguồn vay.

Bên cạnh đó, có những trường hợp thủ tục đòi hỏi tài sản thế chấp, đơn cử như trường mầm non và tiểu học ngoài công lập yêu cầu tài sản thế chấp với các gói vay trên 100 triệu đến 200 triệu đồng trở lên. Như vậy, nhiều đơn vị nhỏ phải đi thuê nhà nên không có tài sản thế chấp. Ngoài ra, có những đơn vị có tài sản lớn nhưng gói vay lại quá nhỏ nên họ cũng không “mặn mà”.

Ở đây có rất nhiều yếu tố để khiến cho việc doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn hoặc không “mặn mà”. Do đó, tôi cho rằng trên cơ sở thành tựu của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ban đầu cũng đã có những tác động tích cực với cả nền kinh tế và phục hồi chương trình lao động, theo tôi đây là cơ sở kinh nghiệm của năm triển khai phục hồi kinh tế chúng ta sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh để làm cho các gói hỗ trợ trở nên hiệu quả hơn và chương trình thành công trong năm 2023.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.