Mặc dù vẫn có báo cáo tình trạng phiền hà ở một số lĩnh vực chủ chốt, tuy nhiên, theo ghi nhận của Báo cáo PCI 2022, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện…
>> PCI 2022: 18 năm kiên định sứ mệnh “đánh giá chất lượng điều hành kinh tế”
Theo đó, cải cách thủ tục hành chính là một trong sáu nội dung trọng tâm của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, bên cạnh các nội dung khác gồm: cải cách thể chế , cải cách tổ chức bộ máy hành chính, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công, và phát triển Chính phủ điện tử .
Đối với cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đến việc “rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và các quy định thủ tục hành chính”, “tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ số để chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ”, và “đẩy mạnh phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo kết quả tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, 1041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản đã được cắt giảm hoặc đơn giản hóa trong năm 2022. Nếu tính từ năm 2020 cho đến cuối năm 2022, đã có 2.142 quy định kinh doanh và 171 văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh từ kết quả triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, về việc ứng dụng công nghệ thông tin, tính đến cuối năm 2022, 4.400 trong tổng số 6.502 thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến (chiếm tỷ lệ khoảng 67%). Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến cuối năm 2022 cũng đã tích hợp toàn bộ 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.28 Các doanh nghiệp hiện nay đã có thể tìm hiểu toàn bộ các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng như theo dõi các kết quả cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh tại một địa chỉ tập trung, Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh (https:// quydinhkinhdoanh.gov.vn).
Tại các tỉnh/thành phố, 56/63 địa phương đã tổ chức mô hình trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh và tất cả các địa phương đều đang vận hành cổng dịch vụ công cũng như hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh.
Không chỉ có vậy, ở góc độ phân cấp giải quyết thủ tục hành chính, ngày 30/8/2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án phân cấp 699 thủ tục hành chính trong 100 lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ. Phương án này hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng “cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cho cấp đó giải quyết” và “không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực, phiền hà cho nhân dân”.
Đáng nói, nếu như kết quả khảo sát PCI năm 2021 cho thấy, tại tỉnh trung vị, 26% doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật (tăng nhẹ so với giá trị tương ứng 22% của năm 2020) thì đến năm 2022 tỷ lệ này đã giảm về mức 20% - giá trị tốt nhất kể từ năm 2014…
Ngoài ra, “gánh nặng” tuân thủ thủ tục về thanh tra, kiểm tra cũng tiếp tục xu hướng giảm qua thời gian. Đặc biệt, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Trong đó đặt ra các nguyên tắc về hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp như tiến hành thanh tra, kiểm tra mỗi doanh nghiệp không quá 1 lần/năm, và các cơ quan phải phối hợp xây dựng kế hoạch thanh tra, kế thừa kết quả của nhau, chỉ thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm.
Những năm gần đây, việc áp dụng quản lý rủi ro trong việc lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra cũng được đẩy mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế và hải quan. Giải pháp này hướng đến mục tiêu thanh tra có chọn lọc, đúng đối tượng có nguy cơ cao vi phạm pháp luật, từ đó giúp giảm số lượng và tần suất thực hiện thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp…
Dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, tuy nhiên, cải cách thủ tục hành chính còn nhiều không gian để tiếp tục cải thiện.
Cụ thể, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, vẫn còn tình trạng “trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính” hay tình trạng người dân hoặc doanh nghiệp “vẫn phải đến trực tiếp bộ phận một cửa để công chức hướng dẫn, yêu cầu quét hồ sơ, tài liệu tại chỗ” dù thủ tục được tiến hành trực tuyến.
Còn theo Khảo sát PCI 2022, bên cạnh những ghi nhận chuyển biến tích cực trong thực hiện, giải quyết thủ tục hành chính nói chung, vẫn còn đó sự cải thiện không đồng đều giữa các lĩnh vực. Trong đó, ba lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp lần lượt là thuế/phí, giải phóng mặt bằng và bảo hiểm xã hội.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...