NGHỊ ĐỊNH HỖ TRỢ LÃI SUẤT CHO DOANH NGHIỆP

2023-03-28 07:35:54

Nhằm hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đồng thời thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 về hỗ trợ lãi suất từ NSNN đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh

Ảnh minh họa

Đây là chính sách sử dụng NSNN có quy mô lớn. Do đó, ngay từ trong quá trình Dự thảo, NHNN đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, Ngành, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhằm lấy ý kiến để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn, với mục tiêu hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (sau đây gọi là khách hàng) để vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển nền kinh tế; đồng thời đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho khách hàng; hạn chế các sai phạm trong quá trình triển khai, thực hiện dự toán, quyết toán hỗ trợ lãi suất.

Theo đó, khách hàng thuộc một trong các trường hợp sau được hỗ trợ lãi suất: Có mục đích sử dụng vốn vay thuộc một trong các ngành đã được đăng ký kinh doanh quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam; có mục đích sử dụng vốn vay để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp, công bố.

Nghị định quy định điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là: Khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; khoản vay được hỗ trợ lãi suất là khoản vay bằng đồng Việt Nam, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân trong khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến ngày 31 tháng 12 năm 2023, sử dụng vốn đúng mục đích theo quy định và chưa được hỗ trợ lãi suất từ NSNN theo các chính sách khác.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2022/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần phải làm rõ. Theo đó, tại Tờ trình số 151/TTr-NHNN ngày 20/12/2022 của NHNN về việc triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ NSNN theo quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP về Thông tư 03/2022/TT-NHNN, Dự thảo đưa ra ba khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, gồm (1) khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (2) quy định điều kiện hỗ trợ “có khả năng phục hồi”; và (3) một số hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Dự thảo Nghị định mới chỉ xử lý vấn đề thứ hai về quy định rõ điều kiện “có khả năng phục hồi”, hai vấn đề còn lại chưa có biện pháp giải quyết.

Cũng theo VCCI, đối với vấn đề khách hàng e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền một phần nguyên nhân là do các quy định về kiểm tra và giám sát tại Nghị định 31 cũng chưa thực sự rõ ràng. Nghị định này mới chỉ quy định theo hướng NHNN và Tổ Công tác liên ngành có quyền kiểm tra khoản vay được hỗ trợ lãi suất, Tổ Công tác liên ngành làm việc theo quy chế do NHNN ban hành. Tuy nhiên, hiện nay NHNN chưa ban hành quy chế này và cũng chưa có quy định cụ thể hơn để các doanh nghiệp có thể yên tâm rằng hoạt động kiểm tra tại Nghị định này không gây chi phí quá mức một cách không cần thiết cho doanh nghiệp. Nếu có quy định minh bạch, rõ ràng hơn có thể phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại của các khách hàng. Do đó, Dự thảo cần bổ sung một số nội dung sau: Quy định nguyên tắc hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ Công tác không chồng chéo, trùng lặp với các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác, hạn chế tối đa chi phí thời gian cho khách hàng; hoạt động kiểm tra của NHNN và Tổ Công tác được tiến hành chủ yếu tại các NHTM. Chỉ khi nào việc kiểm tra tại các NHTM phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì các cơ quan này mới tiến hành kiểm tra khách hàng và chỉ nhằm bảo đảm việc tuân thủ quy định về hỗ trợ lãi suất, không bao gồm các phạm vi khác.
Đối với vấn đề hộ kinh doanh không đăng ký kinh doanh, hiện nay, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đang miễn đăng ký kinh doanh đối với hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Trong khi đó, Điều 2.2.a của Nghị định 31 hiện đang yêu cầu hộ kinh doanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản phải có đăng ký kinh doanh thì mới được hưởng hỗ trợ lãi suất. Quy định này vô hình chung đã loại bỏ gần như toàn bộ các hộ kinh doanh nông nghiệp ra khỏi diện được hưởng ưu đãi lãi suất, trong khi đây lại là lĩnh vực tương đối bền vững trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều biến động như hiện nay. Do đó, Dự thảo cần có phương án riêng đối với các hộ kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp được phép tiếp cận hỗ trợ lãi suất mà không cần có đăng ký kinh doanh./.
Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)