Kỳ vọng mở tuyến đường biển trực tiếp qua Việt Nam - Nga

2023-04-22 08:29:49

Nhiều công ty logistics Nga đã mở các tuyến vận chuyển đường sắt, đường biển rút ngắn thời gian 9-12 ngày, nhằm thúc đẩy thương mại Việt - Nga lên tầm cao mới.

Tiềm năng lớn trong lĩnh vực logistics

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 dự báo đạt mức 5,5%. Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, logistics Việt Nam thời gian qua đã có những bước tiến tích cực hỗ trợ cho cầu nối thương mại sang các thị trường quốc tế trong đó có Liên bang Nga.

>> Logistics Việt Nam - Chuyển mình phát triển

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, thương mại hai chiều năm 2022 đạt 3,55 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,55 tỷ USD; nhập khẩu đạt 1,99 tỷ USD. Tính đến tháng 3-2023, Liên bang Nga có 171 dự án với tổng vốn đăng ký đạt trên 970 triệu USD, đứng thứ 28/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam hiện có 17 dự án đầu tư sang Liên bang Nga với tổng vốn đăng ký đạt 1,63 tỷ USD. Nga là địa bàn đứng thứ 4 về vốn trên 78 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài, chiếm 7% tổng vốn đầu tư.

Nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển dịch vụ vận tải trực tiếp giữa Nga và Việt Nam bằng đường biển còn rất nhiều tiềm năng, kỳ vọng có thể lên một tầm cao mới. Việt Nam hiện có 256 bến cảng thuộc 5 nhóm cảng biển, đã thiết lập 32 tuyến vận tải nội địa và quốc tế, trong đó có các tuyến đi Bắc Mỹ và châu Âu. Mạng lưới đường sắt Việt Nam đã được nối với tuyến đường sắt quốc tế Á - Âu. Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu tuyến đường vận tải nối trực tiếp cảng Vladivostock (phía Đông nước Nga) tới các cảng gần TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, thay vì đi đường vòng như hiện nay.

Diễn đàn Doanh nghiệp với chủ đề “Việt Nam - Liên bang Nga: Cơ hội hợp tác mới và các lĩnh vực tiềm năng”

Đẩy mạnh hợp tác lĩnh vực vận tải hàng hóa và logistics

Vận tải hàng hóa đường biển từ Việt Nam sang Liên bang Nga có thể thông qua 2 hướng: đi qua kênh đào Suez và cập cảng St. Petersburg hoặc đi qua các cảng vùng Viễn Đông (2 cảng lớn nhất là Vladivostok và Vostochny) rồi từ đó thông qua đường sắt hoặc đường bộ để tới Moscow, miền Tây Liên bang Nga, các nước nội khối EAEU và toàn bộ châu Âu.

Bên cạnh đường biển, đường sắt cũng là hình thức đang được sử dụng để vận chuyển hàng hoá sang Liên bang Nga, nhất là trong thời điểm giá cước vận tải biển tăng vọt. Vận tải hàng hóa đường sắt từ Việt Nam sang Liên bang Nga hiện thông qua tuyến đường sắt container liên vận quốc tế Á - Âu, xuất phát từ ga Gia Lâm (Việt Nam) sang các ga nội địa của Trung Quốc, sau đó chia 03 hướng sang Kazakstan, Mông Cổ hoặc Nội Mông - Trung Quốc để vào Liên bang Nga.

Nhiều công ty logistics Nga đã mở các tuyến vận chuyển đường sắt, đường biển thúc đẩy thương mại Việt - Nga, trong đó Tập đoàn FESCO đang ấp ủ dự án xây dựng cảng Sài Gòn thành cảng trung chuyển hàng hóa tới các nước Đông Nam Á của FESCO.

Doanh nghiệp Nga muốn đưa Cảng Sài Gòn thành nơi trung chuyển hàng hóa vào khu vực. Ảnh: CTCP Cảng Sài Gòn.

Theo đại diện châu Á của FESCO, nếu Việt - Nga mở các tuyến tàu đường biển trực tiếp không qua các nước trung gian sẽ rút ngắn được thời gian vận chuyển từ 9-12 ngày. Do đó, tập đoàn FESCO đã hiện thực hóa điều này vận chuyển hàng hóa từ Nga tới trực tiếp cảng Việt Nam và cũng giải quyết được một phần nỗi lo container rỗng.

Bên cạnh việc ghi nhận những đơn vị vận chuyển với các hình thức khác nhau đã giúp thương mại Việt Nam – Nga phát triển thời gian qua, nhiều nhận định cho rằng, giá cước vận tải vẫn đang ở mức cao, thời gian vận chuyển còn dài. Vì vậy cần có sự điều chỉnh mức giá hợp lý từ các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics để góp phần đưa kim ngạch thương mại hai nước lên mức cao hơn.

Nguồn: Tạp c Diễn Đàn Doanh Nghiệp.