Giải pháp cho doanh nghiệp "vượt bão" cắt giảm lao động?

2022-12-06 15:26:00

Tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm trong doanh nghiệp đang diễn ra trên diện rộng, chuyên gia đánh giá đây là thực tế của thị trường mà doanh nghiệp phải linh hoạt chấp nhận.

>>> Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

Các chuyên gia lo lắng trong những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày đang chịu tác động lớn bởi các đơn hàng bị cắt giảm dẫn đến người lao buộc phải nghỉ luôn phiên, giãn việc hoặc cho người lao động nghỉ tết sớm…

Hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ… thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc phải chờ đơn hàng.

Chấp nhận biến động thị trường

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ… thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm sản xuất hoặc phải chờ đơn hàng. Thống kê này chưa đầy đủ do tình trạng cắt giảm lao động, cắt giảm giờ làm đang diễn ra trên diện rộng.

Cụ thể, thống kê từ Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH, tại TP Hồ Chí Minh đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo cho gần 3.000 lao động nghỉ việc trên tổng số 15.000 người lao động; một số doanh nghiệp phải giảm giờ làm. Một số công ty như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam cho biết sẽ cho 20.000 lao động khối sự nghiệp nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng (từ ngày 1/12/2022 đến ngày 28/2/2023); Công ty TNHH Việt Nam Samho hoạt động trong lĩnh vực da giày dự kiến cắt giảm 1.400 người lao động từ tháng 12/2022; Công ty TNHH Tỷ Hùng thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 lao động từ ngày 1/12/2022.

Ông Phạm Quang Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony cho biết: “Trong mảng đồng phục, công ty đã bị giảm 20% lượng đơn hàng và 50% đơn ở mảng thời trang từ tháng 8 đến nay. Hiện tại, công ty đang hoạt động không có lợi nhuận để lao động có việc làm, giữ chân lao động có tay nghề tốt. Nếu cắt giảm nhân sự, đến lúc có đơn hàng sẽ phải mất nhiều thời gian để tuyển mới, đào tạo, trong khi những lao động mất việc làm cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi Tết đã đến gần”, ông Quang Anh nhấn mạnh.

Tại tỉnh Bình Dương, tại một số doanh nghiệp lớn trong các ngành gỗ, dệt may, da giày có tình trạng giảm đơn hàng và hàng hóa không xuất đi được dẫn đến các doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, giảm cả ngày làm việc thứ Bảy, hoạt động cầm chừng. Một số doanh nghiệp khác lại bắt buộc phải cắt giảm lao động lên tới 30%. Một số doanh nghiệp cũng lên kế hoạch sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với những lao động hết hạn hợp đồng, vì hiện tại đơn hàng cho năm 2023, doanh nghiệp vẫn chưa thể xác định là có hay không.

Tương tự, tại Đồng Nai, 5 tháng qua có khoảng 30.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp cắt giảm lao động với số lượng lớn là các đơn vị thuộc ngành gỗ: Công ty TNHH Gỗ Lee Fu đã cắt giảm hơn 1.000 người, chiếm gần 60%; Công ty TNHH Timber đang tạm hoãn hợp đồng với 853 lao động; và một số doanh nghiệp ngành da giày cũng có kế hoạch cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng…

Số lao động đã bị giảm trong vòng một tháng qua và số lao động dự kiến giảm trong 3 tháng tới của tỉnh An Giang dự kiến là hơn 4.000 lao động. Số lao động này đều là lao động phổ thông và chủ yếu thuộc ngành dệt may – da giày.

Trao đổi với DĐDN về vấn đề này, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho biết, đây là thực tế không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước, đặc biệt với những ngành nghề thâm dụng nhiều lao động.

>>> Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 mang đến biến động lao động rất lớn. Theo đó, biến động đơn hàng sụt giảm khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Đồng thời khẳng định đây là quy luật của kinh tế thị trường mà doanh nghiệp phải chấp nhận.

“Khi doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế chúng ta phải chấp nhận biến động của thị trường và thay đổi đơn hàng sụt giảm mức 30-40% như hiện nay”, ông Đào Trọng Độ nhấn mạnh.

Các doanh nghiệp phải chủ động hơn trong tìm kiếm các đơn hàng, bao gồm cả đơn hàng chính và đơn hàng thứ cấp để mình có thể thích ứng.

Linh hoạt thích ứng

Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên cũng đánh giá thêm, có thể do nhiều yếu tố khác như là chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp hoặc yếu tố về địa lý. “Ví dụ đối với ngành may, trước đây địa bàn các tỉnh ít có doanh nghiệp, lao động phải vào Đồng Nai, Bình Dương hoặc đến các Thành phố lớn để lao động. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp dệt may, da giày có xu hướng dịch chuyển nhà máy về các địa phương để ổn định nguồn lao động”, ông Đào Trọng Độ nhận định.

Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, ông Độ cho rằng, các doanh nghiệp phải chủ động hơn trong tìm kiếm các đơn hàng, bao gồm cả đơn hàng chính và đơn hàng thứ cấp để mình có thể thích ứng được.

“Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chế tài và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời điểm tạm thời, ví dụ như khi doanh nghiệp sụt giảm hay mất đơn hàng. Bởi các chính sách đó không chỉ đối với doanh nghiệp mà chính là ổn định cho người lao động, để họ găn bó hơn. Hoặc các Hiệp hội, hội có các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”, Vị đại diện Bộ LĐTB&XH đề xuất.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp cũng cần đào tạo lại cho người lao động để tăng cường năng lực cạnh tranh của chính doanh nghiệp, thì chúng ta mới giữ được các đơn hàng ổn định và các đơn hàng chất lượng. Bởi khi năng lực cạnh tranh thấp họ sẵn sàng chuyển dịch khỏi Việt Nam vì dệt may không chỉ Việt Nam.

“Cần có chính sách từ Nhà nước, doanh nghiệp và bản thân người lao động để nâng cao năng lực cạnh tranh về nhân lực của mình, khi đó bài toán giữ chân người lao động sẽ hiệu quả hơn”, ông Độ nhấn mạnh.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.