Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn, đây tiếp tục là mức giá cao nhất so với các loại gạo cùng chủng loại của Thái Lan.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn. Đây tiếp tục là mức giá cao nhất so với các loại gạo xuất khẩu cùng chủng loại của Thái Lan.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã lên mức 643 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 628 USD/tấn.
Doanh nghiệp xoay xở
Tại thị trường nội địa, sau khi điều chỉnh giảm nhẹ, giá lúa gạo đồng loạt tăng trở lại. Trong đó, lúa thường tại kho có mức tăng thấp nhất là 133 đồng/kg, gạo lứt loại 1 có mức tăng cao nhất là 313 đồng/kg.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hàng loạt thông tin trên thị trường xuất khẩu gạo đang tiếp tục tác động mạnh đến giá gạo xuất khẩu. Theo đó, quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới này lại tiếp tục áp dụng mức thuế xuất khẩu 20% với gạo đồ từ ngày 26/8. Trước đó, Ấn Độ cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường từ 20/7 đã làm thị trường gạo thế giới chao đảo.
Mặc dù mới đây Ấn Độ bất ngờ cho phép vận chuyển hàng trăm ngàn tấn gạo trong các container mắc kẹt tại cảng mà các nhà nhập khẩu đã trả thuế xuất trước ngày 20/7, thời điểm lệnh cấm xuất khẩu gạo có hiệu lực, ngoài ra cho phép xuất khẩu gạo đến 3 nước Singapore, Bhutan và Mauritius, tuy nhiên giới chuyên gia nhận định, việc giảm lượng gạo xuất khẩu từ Ấn Độ có thể đẩy giá gạo toàn cầu - vốn đang cao nhất trong vòng 12 năm qua - tăng thêm.
Trước đó, thị trường gạo toàn cầu nhận thêm tin xấu khi Liên đoàn gạo Myanmar cho hay nước này sẽ tạm thời hạn chế xuất khẩu gạo trong khoảng 45 ngày, kể từ cuối tháng 8/2023, trong bối cảnh giá gạo nội địa tăng cao.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, Myanmar là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 5 thế giới, với hơn 2 triệu tấn mỗi năm.
Theo ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An thừa nhận, động thái mới của Ấn Độ và thông tin Myanmar hạn chế xuất khẩu gạo có thể sẽ ảnh hưởng tới giá loại lương thực này trên thị trường thế giới, nhưng với Việt Nam thì không.
Bởi theo ông Bình, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có giá rất cao so với ngưỡng người tiêu dùng thế giới có thể chấp nhận. Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao. Họ gần như không thể chấp nhận mua với giá 670-680 USD/tấn.
Trong khi đó, giá thu mua lúa tại thị trường nội địa cũng rất đắt đỏ. Giá các loại lúa đều tăng lên gần 8.000 đồng/kg. Với mức giá này, nếu quy ra gạo xuất khẩu thì tương đương giá 670-680 USD/tấn.
“Nhưng giá này không có ai mua. Do đó, dù có thêm quốc gia cấm xuất khẩu gạo thì gạo Việt cũng rất khó tăng giá thêm”, ông nói.
Ở tình thế hiện tại, các doanh nghiệp gần như không dám ký thêm hợp đồng xuất khẩu gạo mới và cũng tạm dừng thu mua lúa tại thị trường nội địa để nghe ngóng.
“Nếu doanh nghiệp vẫn ký hợp đồng bán và phải mua lúa giá cao như hiện nay sẽ lỗ khoảng 30-40 USD/tấn. Như vậy, doanh nghiệp lấy tiền đâu bù vào”, ông Bình tính toán.
Riêng đơn hàng cũ, ông Bình cho biết, nhiều doanh nghiệp đang đàm phán với nhà nhập khẩu nước ngoài để điều chỉnh giá tăng thêm, nhưng hầu hết không được chấp thuận. Thế nên, doanh nghiệp chỉ có thể giao hàng với giá đã ký trước đó hoặc huỷ hợp đồng. Nếu không bị đối tác kiện thì doanh nghiệp Việt cũng mất uy tín.
Đề xuất giá sàn
Ở một diễn biến khác, do bối cảnh thị trường thế giới diễn biến phức tạp, trong
văn bản báo cáo được gửi tới Văn phòng Chính phủ gần đây, VFA đã đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo.
Cụ thể, VFA cho biết từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu, quá trình kinh doanh xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp gặp khó khăn do giá cả tăng quá nhanh. Điều này khiến chuỗi cung ứng từ nông dân, thương lái đến nhà máy xay xát và doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị đứt gãy.
Nguyên nhân là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. VFA đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký nhằm giữ thị trường và đàm phán giãn tiến độ giao hàng để giảm thiệt hại. Đối với hợp đồng mới phải bảo đảm có chân hàng trước khi ký, trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào tránh biến động giá trong nước.
Hiện nay, có hơn 200 thương nhân xuất khẩu gạo và nhiều tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo ủy thác nên cạnh tranh khá gay gắt, trong đó có cạnh tranh về giá.
VFA dự báo sẽ có nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.
Trước tình tình đó, VFA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, bảo đảm nguồn hàng tồn kho dự trữ lưu thông.
VFA cũng kiến nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010 và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018.
Đối với vấn đề sản xuất, VFA kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này góp phần đảm bảo chất lượng lúa đầu ra. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thương mại gạo thế giới.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...