Trước những thực trạng bất cập, tồn tại trong hoạt động đấu thầu, các chuyên gia cho rằng, cần nâng cao tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả pháp luật và đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực này…
>> Lo sai phạm trong đấu thầu: Nhiều bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế
Nhằm tìm hiểu những vấn đề vướng mắc cụ thể cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải khi tham gia hoạt động đấu thầu mua sắm công tại địa phương, từ đó tìm kiếm giải pháp tháo gỡ, khắc phục, góp phần tăng cường tính minh bạch, hiệu lực, hiệu quả của pháp luật, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, ngày 16/6/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), dưới sự tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Úc, tổ chức Hội thảo: “ Đấu thầu mua sắm công từ góc nhìn của doanh nghiệp”.
Ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: Anh Khôi
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, đấu thầu là một hoạt động quan trọng trong nền kinh tế thị trường, giúp người mua và người bán gặp nhau thông qua cơ chế cạnh tranh, công bằng và minh bạch. Đấu thầu mua sắm công khi tiến hành một cách hiệu quả, đúng nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch sẽ góp phần lớn tạo ra động lực cho sự phát triển, thúc đẩy chuyển đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh và phân bổ nguồn lực hiệu quả nhất. Đối với chi tiêu, mua sắm công, đấu thầu là công cụ quan trọng giúp Nhà nước chi tiêu, sử dụng các nguồn vốn Nhà nước hiệu quả nhất, chống thất thoát, lãng phí.
Theo ông Tuấn, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013 quy định quản lý Nhà nước về đấu thầu, trách nhiệm của các bên có liên quan và các hoạt động đấu thầu. Luật Đấu thầu năm 2013 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai đồng bộ công tác đấu thầu, đảm bảo yêu cầu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.
Tuy nhiên, trải qua một quá trình thực hiện từ tháng 7/2014 tới nay, hoạt động đấu thầu mua sắm công đã nảy sinh không ít vấn đề trên thực tế, khiến việc sửa đổi luật này đang trở nên rất cấp thiết.
>> Từ các sai phạm trong đấu thầu: Cần tăng chế tài xử lý tội phạm
Ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) - Ảnh: Anh Khôi
Tại Hội thảo, VCCI cũng đã cung cấp Báo cáo khảo sát về những vướng mắc, bất cập đang tồn tại của hoạt động đấu thầu, trong đó, tập trung đánh giá hai vấn đề chính trong mua sắm đấu thầu công, gồm: Đánh giá của doanh nghiệp về quá trình thực hiện thủ tục đấu thầu mua sắm tại địa phương; Đánh giá việc giải quyết kiến nghị khiếu nại, tố cáo. Những khó khăn mà doanh nghiệp thường gặp nhiều nhất…
Đồng thời, Báo cáo cũng khuyến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu theo hướng tăng cường tính công khai minh bạch trong mua sắm đấu thầu công thông qua tăng cường sử dụng các biểu mẫu đấu thầu mang tính cạnh tranh và công khai kết quả lựa chọn nhà thầu và hợp đồng kết hợp với việc tối ưu hóa sử dụng công nghệ cao (hệ thống đấu thầu điện tử) trong hoạt động tổ chức và quản lý đấu thầu.
Tăng cường giám sát mua sắm đấu thầu công thông qua nâng cao chất lượng lực thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với cơ quan, tổ chức công mời thầu mua sắm, đấu thầu công, cơ quan quản lý Nhà nước. Ngoài ra, cần tập trung vào chất lượng giải quyết các vấn đề và kiến nghị của doanh nghiệp tham gia đấu thầu thông qua việc xây dựng các cơ chế độc lập.
Các đại biểu, chuyên gia tham gia chia sẻ về những bất cập, tồn tại và góp ý, đề xuất xây dựng Luật Đấu thầu tại Hội thảo - Ảnh: Anh Khôi
Phát biểu tại hội thảo ông Patrick Haverman - Phó trưởng Đại diện Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) nhấn mạnh, nâng cao tính minh bạch và đẩy mạnh quá trình số hóa trong hoạt động đấu thầu công, bao gồm trong lĩnh vực y tế là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững.
“Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để giúp ứng phó một cách hiệu quả đối với khủng hoảng và phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch. Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thúc đẩy những thông lệ tốt về quản trị doanh nghiệp, nâng cao tính minh bạch và liêm chính doanh nghiệp, vì vậy, tôi hi vọng rằng kết quả thảo luận tại hội thảo ngày hôm nay sẽ tạo cơ sở cho những hoạt động hợp tác trong tương lai với sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần xây dựng một hệ thống đấu thầu công hiệu quả, số hóa và minh bạch ở Việt Nam”, ông Patrick Haverman chia sẻ.
Xung quanh nội dung của Hội thảo, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều đề xuất, góp ý sửa đổi Luật Đấu thầu, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động đấu thầu hiện nay, tránh những tiêu cực không đáng có như thời gian qua.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...