Thấy gì từ đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí?

2023-08-08 14:27:15

Đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu từ 80 xuống 75 tuổi được đánh giá là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và người dân…

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, có đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu từ 80 xuống 75 tuổi. Ảnh minh họa

Theo đó, Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) . Trong đó, có đề xuất giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cho người không có lương hưu từ 80 xuống 75 tuổi. Theo tờ trình, căn cứ Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, ngân sách sẽ hỗ trợ một phần trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Một phần nguồn lực xã hội sẽ khuyến khích hỗ trợ để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn. Đồng thời, tuổi nhận trợ cấp hưu trí xã hội sẽ giảm dần phù hợp với điều kiện của ngân sách. Đến cuối năm 2022, nước ta có khoảng 14,4 triệu người nghỉ hưu (55 tuổi trở lên với nữ, 60 tuổi trở lên với nam). Tuy nhiên, số người có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội chỉ hơn 5,1 triệu người, tức khoảng 35% số người nghỉ hưu.

Trong khi đó, Trung ương đặt mục tiêu 60% người nghỉ hưu được hỗ trợ tiền từ lưới an sinh đến năm 2030. Do đó, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng nhận trợ cấp hưu trí xã hội.

Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan soạn thảo Luật này) đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500 nghìn đồng/người/tháng, nguồn lực chi trả từ ngân sách. Tờ trình cũng đề nghị giao Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy khả năng ngân sách từng thời kỳ.

Trước mắt, nếu giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống 75 tuổi sẽ hỗ trợ 800.000 đến 1 triệu người cao tuổi. Ngoài trợ cấp trên, người nghỉ hưu còn có bảo hiểm y tế. Cũng theo tờ trình, lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm hoặc chưa đủ 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội được chọn nhận trợ cấp hàng tháng, kèm bảo hiểm y tế do ngân sách chi. Mức hưởng phụ thuộc thời gian đóng, tiền lương, thu nhập đóng bảo hiểm xã hội.

Theo tính toán, quy định trên không phát sinh nhiều ngân sách do chỉ hỗ trợ bảo hiểm y tế. Còn trợ cấp hằng tháng do quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo. Ví dụ, một lao động đóng bảo hiểm xã hội 5 năm với tiền lương trung bình, không rút bảo hiểm xã hội một lần thì có thể nhận trợ cấp hàng tháng thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Việc thiết kế chính sách, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng như dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 28-NQ/TW. Ảnh minh họa.

Xung quanh vấn đề này, TS Trương Xuân Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, đây là một tin rất mừng với người cao tuổi cả nước.

Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, việc giảm độ tuổi từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 - 1 triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Điều này rất có ý nghĩa với người cao tuổi cả nước.

“Theo thống kê, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay khoảng 75 tuổi. Trong khi đó, số lượng người cao tuổi có chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hưu trí hiện nay mới chỉ khoảng 35%. Như vậy, khi giảm độ tuổi từ 80 xuống 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, sẽ có thêm nhiều người cao tuổi được nhận chế độ. Đây là điều rất đáng mừng, thể hiện sự ưu việt, nhân văn trong chính sách của Đảng, Nhà nước ta” - TS Trương Xuân Cừ nhấn mạnh.

TS Trương Xuân Cừ cũng cho rằng, việc thiết kế chính sách, bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng như dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là phù hợp với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 28-NQ/TW.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cũng rất đồng tình với đề xuất này, bởi với những người cao tuổi ở nông thôn, không có lương hưu, cuộc sống rất khó khăn.

“Hiện nay, tỉ lệ người già ở nông thôn ở vẫn cao, đa số không có tích lũy, chỉ chờ vào thu nhập của con cái. Tuy nhiên, có người con lo được cho bố mẹ nhưng cũng có những người không chăm lo được. Do vậy, nếu được nhà nước tăng trợ cấp và giảm độ tuổi để hưởng trợ cấp hưu trí là rất điều rất cần thiết và phù hợp”, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu quan điểm.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp