Tăng tỷ lệ bao phủ BHXH - Mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc có khả thi?

2023-08-17 08:55:50

Đồng tình với mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, thế nhưng, theo chuyên gia, việc mở động đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không phải “chìa khóa” duy nhất…

Theo đó, nhằm hiện thực hóa mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, tại Dự thảo mới nhất của Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc .

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung 5 đổi tượng tham gia BHXH bắt buộc - Ảnh minh họa: ITN

Cụ thể, so với quy định hiện hành, 5 nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc được đề xuất gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt);

Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc bổ sung các đối tượng trên đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc; thể hiện định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Xoay quanh đề xuất đã nêu, không ít ý kiến còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của chính sách, đồng thời cho rằng, đây không phải là “chìa khóa” duy nhất giúp đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về tính khả thi của việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như đề xuất tại Dự thảo Luật (sửa đổi) - Ảnh minh họa: ITN

Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, xung quanh vấn đề này có hai câu chuyện cần trao đổi:

Thứ nhất , đó là tính khả thi của các quy định này, làm thế nào để các đối tượng này tham gia BHXH một cách đầy đủ (theo thống kê có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh, 270.346 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Đó là chưa kể 3 loại đối tượng khác chưa thống kê được).

Tức là câu chuyện của tổ chức thực thi, cần phải có các giải pháp mới trong tổ chức thực hiện: đó là trách nhiệm, là quy trình, thủ tục của các cơ quan triển khai chính sách. Đặc biệt là các thủ tục hành chính cần hết sức đơn giản, thậm chí cơ quan BHXH nên làm thay các thủ tục hành chính cho các đối tượng mới bổ sung này theo phương châm “đến từng nhà, rà từng đối tượng”.

Và nếu phải làm như vậy thì cơ quan BHXH có làm nổi không? Mặt khác, đã là bắt buộc thì phải có chế tài, có kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh. Vấn đề này chúng ta có giải pháp gì mới? Khả thi đến đâu? Nếu không thì chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy, không thể đi vào cuộc sống.

Thực tiễn tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý và xử lý hơn đã và vẫn đang là câu chuyện chưa có lời giải hiệu quả.

Thứ hai , từ câu chuyện thứ nhất, tôi đề nghị Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích bước đầu đối với các đối tượng này. Chính sách nào thì cần suy nghĩ, thiết kế phù hợp để các đối tượng này nhận thấy sự hấp dẫn của việc tham gia BHXH bắt buộc, thậm chí họ vui vẻ tham gia như một sự tự nguyện chứ không phải là bắt buộc.

“Theo đó, cần thiết kế các chính sách ưu đãi đi kèm với chính sách BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này. Để đạt được các mục tiêu to lớn về an sinh xã hội, cao cả và nhân văn thì Nhà nước cũng cần chịu thiệt một chút về kinh tế, nếu được thì nên giao cho Chính phủ thiết kế, ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích này”, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ bày tỏ.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Bá Chí Nhân, Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là cần thiết, bởi đây là nhu cầu của không ít lao động nhằm bảo đảm quyền lợi khi đến tuổi nghỉ hưu. Hơn nữa, hướng đi này cũng gỡ bỏ tâm lý e ngại của người dân, thu hút nhiều người tham gia vào các chính sách an sinh của Nhà nước. Sau hơn 7 năm thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, chúng ta thấy rằng, diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng, đây là điều cần phải khắc phục khi sửa luật.

“Ở đây, tôi quan tâm đến mức đóng với từng nhóm đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Theo tôi, nên có mức đóng phù hợp cho từng đối tượng bởi thu nhập của họ khác nhau, nếu không có mức đóng hợp lý sẽ rất khó nhận được sự đồng thuận từ người dân”, TS. Lê Bá Chí Nhân chia sẻ.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, trước đó, về quan điểm chung, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, cơ quan này đề nghị giải trình về tính khả thi, khi nhiều người trong số nhóm đối tượng dự kiến mở rộng có mức thu nhập rất thấp (nhóm người hoạt động không chuyên trách thì có mức hỗ trợ hoạt động trên mức lương cơ sở, nhóm người làm việc không trọn thời gian, người quản lý điều hành hợp tác xã...)…

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp