Để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, ngoài đề xuất được đưa ra, cũng cần có thêm cơ chế, chính sách ưu đãi cho người lao động…
Theo đó, với trọng tâm thể chế hóa toàn diện Nghị quyết số 28-NQ/TW, khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập của thực tiễn, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế,… khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và phần nào giảm thiểu việc mỗi năm có khoảng 600 - 700 nghìn người rời khỏi hệ thống.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần như: điều kiện hưởng lương hưu dễ dàng hơn (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do ngân sách Nhà nước bảo đảm trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngoài ra, người lao động trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt của người lao động.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu, thay vì nhận BHXH một lần - Ảnh minh họa: ITN
Đặc biệt, để giải quyết hiện trạng rút BHXH một lần, Dự thảo Luật (sửa đổi) cũng đưa ra 2 phương án, bao gồm:
Phương án 1 : Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với 02 nhóm người lao động khác nhau, gồm: Nhóm 1 - Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần; Nhóm 2 - Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 01/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp như đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành).
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Góp ý Dự thảo Luật (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các chính sách tạo lựa chọn cho người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần, thì cũng cần có các cơ chế gia tăng quyền lợi, tinh giảm thủ tục,... - Ảnh minh họa: ITN
Góp ý vào nội dung đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH được Dự thảo Luật (sửa đổi) xây dựng là cần thiết, tuy nhiên, bên cạnh các chính sách tạo lựa chọn cho người lao động có quyền rút hay không rút BHXH một lần, thì cũng cần có các cơ chế gia tăng quyền lợi, tinh giảm thủ tục,...
Liên quan đến vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong 2 phương án được đưa ra thì phương án 2 là có thể khả thi và phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay khi cho người lao động rút 50%. Việc cho phép người lao động chỉ được thanh toán rút tối đa 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ buộc người lao động phải cân nhắc khi rút BHXH một lần. Việc này sẽ giảm thiểu được số người lao động bị lọt ra khỏi hệ thống, mở rộng được độ bao phủ, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động khi hết tuổi lao động. Mức rút này dù không phải là cao nhưng người lao động cũng sẽ có một khoản tiền để trang trải được khó khăn trước mắt.
Mặt khác, khi còn 50% thì người lao động có thể tham gia đóng tiếp để đảm bảo cuộc sống sau này. Thực tế, lương hưu dù có thấp thì qua việc tăng điều chỉnh tiền lương hằng năm vẫn đảm bảo được cuộc sống của người nghỉ hưu. Đơn cử, từ ngày 01/7 vừa qua, công chức viên chức được tăng lương cơ sở thì người về hưu cũng được tăng lương; và đến thời điểm 01/7/2024 tới, quy định mức lương theo vị trí việc làm, người về hưu cũng được nâng lương. Khi người lao động có chế độ hưu trí thì cũng đồng nghĩa với việc họ có thêm các chính sách khác về an sinh.
“Tôi cho rằng, muốn khuyến khích, động viên, thuyết phục người lao động không rút BHXH một lần và yên tâm đóng BHXH thì ngoài việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cho những người lao động buộc phải nghỉ việc, mất việc để họ tiếp tục tham gia vào hệ thống BHXH; thấy được chính sách ưu việt của lương hưu…”, vị đại biểu này bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng cho rằng, cần thiết kế những chính sách tài chính hỗ trợ từ Quỹ BHXH khi người lao động gặp khó khăn, đồng thời, đưa vào chế độ trợ cấp trẻ em và các đối tượng yếu thế khác trong gia đình, tăng và mở rộng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tiếp cận tốt hơn với đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm và tín dụng nhằm giúp người lao động tìm được công việc mới phù hợp với năng lực của người lao động nhanh hơn và do đó giảm nhu cầu rút tiền trợ cấp một lần để đảm bảo thu nhập, giúp họ có nguồn tiền hỗ trợ mà không phải rút BHXH một lần.
Ngoài những vấn đề đã nêu, góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), một số ý kiến cũng đề xuất, cần nghiên cứu để có lộ trình áp dụng phù hợp các phương án về BHXH một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, dẫn đến tình trạng người lao động ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...