Ngày 17/3, thảo luận về Luật Căn cước công dân

2023-03-19 20:09:30

Ngày 17/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án Luật Căn cước công dân và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

>> Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Đồng thời, phiên họp sẽ xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án Luật Căn cước công dân và Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Ảnh: QH

Chiều cùng ngày, phiên họp sẽ xem xét, ban hành Kế hoạch về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ được quy hoạch đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chức danh ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên làm việc chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu cho ý kiến về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Dự án do Bộ Xây dựng chủ trì, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra.

Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi vào chương trình kỳ họp giữa năm 2023 để phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư.

Trước đó, trong tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 28/2, Chính phủ lý giải, đề xuất nói trên nhằm tháo gỡ khó khăn trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số.

Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Căn cước công dân sửa đổi với bốn nhóm chính sách. Trước tiên là quy định tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Ngoài cung cấp thông tin về công dân, căn cước sẽ tương đương với một số giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp, có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ.

Bên cạnh đó, dự luật cũng bổ sung thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước và giấy chứng nhận căn cước.

>> Ngày 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 21

>> Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn lĩnh vực tòa án và kiểm sát

Một số nội dung cũng được hoàn thiện như quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân và quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.

Theo luật hiện hành, căn cước công dân thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân. Căn cước công dân gắn chíp được dùng như một loại giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin cá nhân, nơi thường trú khi làm các thủ tục hành chính. Bộ Công an đã hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, sử dụng thông tin công dân trên căn cước thay cho việc xuất trình sổ hộ khẩu.

Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi cá nhân.

Ngoài sửa luật Căn cước công dân, Chính phủ còn đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 5 của Quốc hội 5 dự luật khác. Đó là luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Công an nhân dân, luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), luật Đường bộ, luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.