Nhiều chuyên gia nhận định, việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi là cấp thiết nhưng cũng không thể vội vàng. Đồng thời, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất trong nhiều quy định.
Theo kế hoạch làm việc dự kiến ban đầu của Quốc hội, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đang diễn ra. Tuy nhiên, mới đây tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) và Chính phủ đã nhất trí đề nghị Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này.
Trước đó, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đã đặt kỳ vọng vào việc thông qua dự án sửa đổi Luật Đất đai sẽ góp phần giải quyết những tắc nghẽn trên thị trường bất động sản . Điển hình như thời kỳ khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản giai đoạn 2011 - 2013, khi Luật Đất đai 2013 được ban hành, thị trường đã dần có dấu hiệu hồi phục và vượt qua giai đoạn khó khăn.
Việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi là cấp thiết nhưng cũng không thể vội vàng. Ảnh:V.A
Thực tế, Luật Đất đai là luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi không chỉ giữ vị trí trung tâm trong hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai (Luật Bất động sản, Luật Nhà ở...) mà còn ảnh hưởng sâu sắc tới mọi tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp và sự phát triển của mỗi quốc gia.
Tại nhiều phiên họp của Quốc hội thời gian qua đều cho thấy, cách thiết kế chính sách trong dự luật chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất nhiều vấn đề phức tạp và nhiều nội dung còn có ý kiến khác nhau.
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật đất đai (sửa đổi) nếu không được tính toán kỹ lưỡng, có thể ảnh hưởng hiệu quả quản lý, mở ra cơ hội cho cá nhân, tổ chức tham nhũng và trục lợi dẫn đến thất thoát và lãng phí tài sản nhà nước. Ngoài ra, không đảm bảo sự khách quan và công bằng cho tất cả các bên liên quan.
Nhận định về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo bất động sản cho rằng, việc lùi lại quyết định thông qua dự thảo Luật Đất đai là điều hợp lý trong bối cảnh hiện nay để đảm bảo chất lượng. Bởi, nếu thông qua sớm khi nhiều quy định chưa đồng nhất và đối lập, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn.
Theo ông Lập, "rút kinh nghiệm từ Luật trước", nhiều nội dung đã phải sửa đổi và bổ sung. Trước đó, việc thiếu rõ ràng trong các quy định ban hành đã dẫn đến hiểu lầm và việc áp dụng sai lầm gây ảnh hưởng đến cán bộ cũng như doanh nghiệp.
Hiện còn nhiều vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chưa được thống nhất
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Đất đai, một số vấn đề như áp giá cho dự án, bồi thường theo giá thị trường, cách hiểu không đồng nhất giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền sẽ vênh nhau. Việc giải quyết bài toán này theo cách nào vẫn là một câu hỏi lớn. Do vậy, ông Lập đồng tình với việc cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn nội dung trong quy định của dự thảo Luật Đất đai.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc chia sẻ, việc chưa thông qua Luật Đất đai là hợp lý do còn nhiều điều mâu thuẫn và chưa thống nhất. Luật Đất đai đóng vai trò quan trọng, nếu làm vội vã mà không đánh giá kỹ lưỡng tác động chi tiết có thể tạo hiệu ứng ngược. Do đó, ông Quyết ủng hộ quyết định dời việc thông qua Luật Đất đai đến năm sau và cần thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.
Mặt khác, cũng có nhiều lo ngại về việc lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản vốn đang khó khăn. Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Luật Đất đai đóng vai trò định hướng sự phát triển của thị trường nên việc chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi chắc chắn có ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Tuy vậy, ông Võ cũng nhận định rằng, luật chỉ nên thông qua khi đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, giải quyết đúng những vấn đề mà xã hội và thị trường cần. Dù Luật Đất đai sửa đổi thông qua chậm ngày nào thị trường địa ốc sẽ khó khăn thêm ngày đó nhưng không vì thế mà làm vội. Hoãn lại việc thông qua Luật cũng là điều cần thiết.
Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...