Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Cân nhắc việc đảm bảo yếu tố thị trường

2023-05-24 14:49:00

Mặc dù đánh giá cao các nội dung được đưa vào Dự thảo Luật Giá (sửa đổi), tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc đảm bảo yếu tố thị trường…

>> Dự thảo Luật Giá (sửa đổi): Các quy định còn thiên về vấn đề hành chính

Theo đó, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Việc sửa đổi Luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá; đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả; vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, đổi mới, không ít ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) còn thiên về quy tắc quản lý Nhà nước, yếu tố hành chính nhiều hơn yếu tố thị trường, nặng về hoạt động của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, chưa xử lý hài hòa mối quan hệ này trong vấn đề giá. Điều này là chưa phù hợp với nền kinh tế thị trường.

Việc Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đưa mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” vào Danh mục bình ổn giá mới, được cho là không phù hợp - Ảnh minh họa: ITN

Trong đó có thể kể đến việc Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đưa mặt hàng “sữa dành cho người cao tuổi” vào Danh mục bình ổn giá mới, được cho là không phù hợp.

Mới đây, thay mặt các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm, Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) đã có văn bản góp ý Luật Giá (sửa đổi) gửi bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội liên quan bình ổn giá sữa.

Cụ thể, FFA cho rằng, danh mục hàng hóa phải bình ổn giá mới có thêm “sữa dành cho người cao tuổi” là bất hợp lý.

Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA, danh mục hàng hóa này được thêm vào khi chưa lấy ý kiến của các doanh nghiệp chịu tác động là không theo đúng quy trình xây dựng văn bản pháp luật; gây ảnh hưởng bất lợi cho doanh nghiệp; không phù hợp với chủ trương xây dựng một nền kinh tế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp.

“Trong khoa học dinh dưỡng, sữa dành cho người già hoàn toàn khác biệt với trẻ nhỏ dùng sữa, vì đó là nguồn thức ăn chủ yếu. Các loại sữa đều sử dụng được cho mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già như sữa tươi, sữa chua…”, bà Chi phân tích.

Từ đó, Chủ tịch FFA đề xuất, loại bỏ danh mục sữa cho người lớn tuổi để bình ổn giá sữa, vì mang lợi ích nhỏ nhưng ảnh hưởng xấu đến kinh doanh; các nhà sản xuất ngần ngại đầu tư vào nghiên cứu công thức mới hoặc cải thiện chất lượng cho những mặt hàng bị kiểm soát giá, nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

>> Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

Trước đó, nhiều ý kiến đã đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc về các vấn đề như: áp dụng các khái niệm, giải thích từ ngữ, áp dụng pháp luật, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá,... - Ảnh minh họa: ITN

Bên cạnh thực tế đã nêu, trước đó, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, nhiều ý kiến đã đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc về các vấn đề như: áp dụng các khái niệm, giải thích từ ngữ, áp dụng pháp luật, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan trong quản lý giá, thẩm quyền quyết định mặt hàng bình ổn giá, nguyên tắc căn cứ phương pháp, tiêu chí thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá,…

Theo ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân – Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, khái niệm giá là khái niệm trung tâm và xuất phát điểm của Luật. Tuy nhiên, định nghĩa giá thị trường chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường, quy định trong Dự thảo Luật không phải mang tính thị trường. Do đó, cần phải quy định lại định nghĩa cũng như sửa đổi lại khái niệm cơ sở hình thành giá.

Vị đại biểu này cho rằng, giá là vấn đề rất phức tạp và hình thành trên quan hệ cung và cầu, nhưng tinh thần trên vẫn chưa được thể hiện rõ trong Dự thảo Luật (sửa đổi), do đó, đề nghị sửa đổi lại là “giá thị trường là giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu phù hợp với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua”.

Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, định nghĩa về yếu tố hình thành giá trong Dự thảo Luật (sửa đổi) đang ngược với logic hình thành giá. Đặc biệt, khái niệm cơ sở hình thành giá không đúng với quy luật thị trường nên cần sửa đổi lại.

Trên cơ sở đó, vị đại biểu này đề nghị quy định cơ sở hình thành giá là quan hệ cung cầu và thu nhập, khả năng chi trả của người tiêu dùng thể hiện ở số người cung cấp hàng hoá, dịch vụ ở quy mô thị trường. Theo đó, thị trường rất nhiều người bán khác với một số người bán và một người bán; đó là thị trường cạnh tranh, thị trường cạnh tranh hạn chế và thị trường độc quyền. Giá của ba loại thị trường này hình thành khác nhau, quy mô của người mua và khả năng người mua khác nhau;…

Đồng quan điểm với Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) chỉ nên đưa ra các quy định để bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá, cần xác định có mấy loại giá và yếu tố thị trường vẫn là yếu tố quyết định. Thứ hai là quản lý Nhà nước liên quan đến những vật tư, hàng hóa, thiết bị mà Nhà nước phải kiểm soát, phải bình ổn. Thứ ba, tạo ra hành lang pháp lý để cho các tổ chức, các hội, các đơn vị hoạt động liên quan về giá và để thực hiện được trong nền kinh tế thị trường. Thứ tư là những quy định để xử lý tranh chấp liên quan đến giá.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.