Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Băn khoăn quy định chuyển mục đích sử dụng đất

2023-09-05 10:16:30

Xoay quanh nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không ít ý kiến còn băn khoăn về các quy định liên quan đến thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa…

Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, bên cạnh các điểm mang tính tích cực, Dự thảo Luật (sửa đổi) vẫn còn đó nhiều điểm chưa rõ ràng, chưa lựa chọn được phương án hoàn thiện,… và một trong số đó có thể kể đến các quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa.

Các quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa là một trong các vấn đề nhận được sự quan tâm, góp ý trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh minh họa: ITN

Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), không ít ý kiến cho rằng, vấn đề chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa hiện nay đang rất vướng mắc tại các địa phương, vì vậy, cần phải được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, các quy định hiện hành liên quan tới chuyển đổi mục đích đất rừng, đất lúa hiện rất vướng mắc. Bởi theo quy định Luật Đất đai hiện hành, HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất với diện tích dưới 20 ha.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 14 Luật Nông nghiệp 2017 thể chế hóa Chỉ thị 13 năm 2017 của Ban Bí thư về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thì vướng, đã quy định không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án quốc phòng an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt.

“Khoản 2 Điều 14 Luật Nông nghiệp không cho, một mét đất rừng cũng phải trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương thì mới chuyển được mục đích sử dụng. Do đó, địa phương gặp rất nhiều khó khăn”, đại biểu Lò Thị Luyến bày tỏ.

Từ đó, vị đại biểu này đề nghị, cần quy định cụ thể trong Luật Đất đai liên quan chuyển mục đích sử dụng đất rừng.

Nhiều ý kiến đề nghị, các vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất cần phải được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi) - Ảnh minh họa: ITN

Tương tự, đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, theo bà Luyến, Luật Đất đai hiện hành cũng quy định HĐND cấp tỉnh có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng với diện tích dưới 10 ha, tuy nhiên, Dự thảo luật Đất đai (sửa đổi) lại không quy định hạn mức nội dung này, giao Chính phủ quy định.

Đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, nếu căn cứ theo pháp luật đầu tư và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, tiêu chí phân loại các dự án nhóm A, B, C lại được phân định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công, không liên quan đến diện tích đất lúa. Chỉ dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Như vậy, theo Dự thảo Luật (sửa đổi), hạn mức chuyển đổi đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và HĐND cấp tỉnh chưa có quy định rõ ràng, các luật hiện hành cũng không quy định rõ ràng.

“Chúng tôi mong Trung ương thấu hiểu địa phương và hãy quy định với điều kiện làm sao thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Còn quy định giao Thủ tướng thì chúng tôi cảm thấy như ở trên mây, sau này không biết sẽ có khó khăn chồng chất như thế nào, bức tử những vấn đề địa phương cần phải giải quyết”, đại biểu Lò Thị Luyến chia sẻ.

Từ đó, vị đại biểu này đề nghị, thẩm quyền và hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định trong luật sửa đổi lần này, cho tương thích với các luật khác, mang tính bạch, rõ ràng, thực hiện thống nhất.

Còn theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, luật sửa đổi cần tiếp tục các quy định liên quan đến công cụ quản lý Nhà nước như kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, phân loại đất, điều tiết hạn mức sử dụng đất, giá đất để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo các quyền của người dân về đất đai theo quy định của Hiến pháp.

Trong đó, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị rà soát tính phù hợp việc tập trung tích tụ đất nông nghiệp, bởi cho rằng, quy định tại Điều 192 Dự thảo Luật (sửa đổi) có thể gây hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương tập trung tích tụ đất sản xuất cho nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh quyền sử dụng đất hoặc trá hình sang buôn bán bất động sản nông nghiệp.

“Cần có quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc, điều kiện ràng buộc nhằm tránh việc lợi dụng chủ trương, chính sách tập trung tích tụ đất nông nghiệp cho mục đích khác”, đại biểu Đinh Thị Phương Lan đề nghị.

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp