Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân định tài nguyên Nhà nước với phần sở hữu PVN

2022-06-15 20:23:00

Dự thảo Luật liệt kê hoạt động dầu khí nhưng không thấy đề cập đến chế biến. Vậy, hoạt động dầu khí có bao gồm chế biến không và nếu không sẽ được quy định ở đâu?

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần một chương thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) nêu vấn đề tại phiên thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) , ngày 15/6.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM).

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, tài nguyên dầu khí được định nghĩa là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, khi dầu khí được khai thác và được chứa trong các đường ống, các kho bồn thì còn là tài nguyên hay không?

Lý giải điều này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, một khi dầu khí trở thành tài sản của PVN dù chưa đưa vào thương mại thì có thể trở thành đối tượng để cưỡng chế tài sản nếu có tranh chấp. Do đó, cần phân định tài nguyên do Nhà nước quản lý với phần thuộc sở hữu của PVN.

Cũng liên quan đến PVN, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị dự thảo Luật cần xác định quan hệ giữa Tập đoàn dầu khí và các công ty con. Tập đoàn dầu khí là doanh nghiệp Nhà nước với mỗi khối lượng tài sản rất lớn nếu tất cả mọi hợp đồng đều là một bên ký hợp đồng thì toàn bộ tài sản đều phải chịu trách nhiệm và có thể bị cưỡng chế trong trường hợp có tranh chấp và phải bồi thường.

Hơn nữa, là doanh nghiệp nhà nước, khi phát sinh trách nhiệm tài sản, nếu không phân định rõ phần trách nhiệm tài sản thì khi doanh nghiệp nhà nước không đủ tài sản, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó, cần xác định rõ trách nhiệm tài sản của PVN.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý thêm kinh nghiệm quốc tế, các tập đoàn lớn khi ký hợp đồng thường thành lập các công ty con hoặc các công ty dự án để nó hạn chế lại trách nhiệm tài sản. Do Luật này liên quan đến chủ quyền quốc gia, xử lý các vấn đề quyền chủ quyền, quyền tài phán, quan hệ thương mại quốc tế, trọng tài quốc tế, xử lý xung đột…

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị trong quá trình soạn thảo, hoàn thiện luật cần tranh thủ ý kiến các luật sư chuyên ngành, các luật sư đầu ngành và dầu khí, luật sư quốc tế để xem xét một cách chặt chẽ kỹ lưỡng nhất là về trách nhiệm dân sự cho Việt Nam và cho cả Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này.

>> Cần cơ chế mới để ngành dầu khí phát triển đột phá

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội).

Đóng góp ý kiến về công tác điều tra cơ bản dầu khí trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) quan tâm đến việc ủy quyền quản lý Nhà nước đối với một số nội dung kinh tế kỹ thuật cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhằm đảm bảo tăng cường tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm của Tập đoàn, bảo đảm bảo hiệu quả hơn trong phát triển ngành Dầu khí.

Trong lịch sử, nước ta đã có Tổng cục Dầu khí đảm nhiệm đồng thời cả hai nhiệm vụ là quản lý nhà nước và đầu tư phát triển thúc đẩy phát triển ngành dầu khí. Nếu bây giờ chúng ta trao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia một số chức năng quản lý Nhà nước, nhưng chỉ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật để hoạt động hiệu quả hơn là một chủ trương thích hợp. Ngoài ra, việc tăng cường phân cấp, đảm bảo tính tự chủ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng là một vấn đề rất quan trọng để nâng cao tính tự chủ về hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, hiện nay việc quản lý doanh nghiệp nhà nước ta đang có vấn đề. Đó là chúng ta đang có Bộ chuyên ngành quản lý, Ủy ban quản lý vốn tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, phải nói rằng, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước còn hạn chế nên để đảm bảo hiệu quả cho khu vực này thì cần đến những cải cách.

“Do đó, những biện pháp định áp dụng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia là sẽ là những thí điểm để có thể mở rộng ra trong các lĩnh vực khác của khu vực doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Tạo lợi thế cạnh tranh từ chính sách ưu đãi

Đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đắk Lắk).

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự cần thiết sửa đổi dự thảo Luật này nhằm thể chế Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị.

Qua nghiên cứu, đại biểu Lưu Văn Đức cho rằng, nhiều nội dung của dự thảo Luật chưa thống nhất với các quy định pháp luật về đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp… Đại biểu cho rằng, việc ban hành luật nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện có, phù hợp với tình hình thực tiễn, thông lệ quốc tế. Đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn về các nhóm chính sách để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật của nước ta.

Cho rằng một trong những nội dung quan trọng trong hoạt động dầu khí là chế biến sản phẩm dầu khí, đặc biệt là khâu vận chuyển và chế biến dầu khí. Tuy nhiên các nội dung này lại chưa thấy đề cập một cách rõ nét trong dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, thực trạng cho thấy, trữ lượng dầu trong nước ngày càng ít đi, đặt ra vấn đề quản trị nguồn tài nguyên quan trọng này như thế nào; công nghiệp chế biến sản phẩm dầu khí trong mối quan hệ với hoạt động tìm kiếm, khai thác dầu khí ra sao.

Làm sao để bảo đảm an ninh năng lượng từ việc phát triển ngành công nghiệp chế biến dầu khí chứ không phải chỉ là hoạt động tìm kiếm, khai thác đơn thuần? Do đó, đại biểu đề Lưu Văn Đức nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thấu đáo về vấn đề này.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.