Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần tăng trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường

2022-08-03 08:24:02

Nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và cơ quan quản lý, theo chuyên gia, Luật Dầu khí (sửa đổi) cần tăng trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường...

>> Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Cần xem xét bổ sung chính sách ưu đãi đầu tư

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) hoàn thiện được cho sẽ giải quyết được những vấn đề tồn tại, giúp ngành dầu khí của Việt Nam phát triển; gắn liền với sự phát triển và tạo điều kiện cho hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã được tiếp thu, chỉnh lý, theo chuyên gia, trong luật cần có quy định cụ thể để tăng trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra rủi ro về môi trường .

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), cần có những quy định tăng trách nhiệm khi xảy ra rủi ro về môi trường - Ảnh minh họa

Tại Hội thảo “Luật Dầu khí (sửa đổi): Hoàn thiện nội dung những chính sách về Dầu khí” mới đây, ông Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, trong dự thảo Luật Dầu khí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động dầu khí đối với việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường chưa được chú trọng; nội dung liên quan đến phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường không được nêu trong “Điều” luật riêng mà lồng ghép không rõ ràng trong một số “Điều” trong dự thảo luật mới nhất ngày 29/4/2022;

Cụ thể theo ông Sơn, về “Sự cố đáp ứng yêu cầu an toàn và bảo vệ mội trường” tại điểm C khoản 4 Điều 38; “Sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ mội trường” tại điểm Đ khoản 4 Điều 39; “Sự đáp ứng yêu cầu về an toàn và bảo vệ mội trường” tại điểm Đ khoản 4 Điều 40.

Hay, “Kế hoạch quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, kế hoạch quan trắc môi trường, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, kế hoạch bảo đảm an toàn trong quá trình thu dọn công trình dầu khí” tại tại điểm C khoản 3 Điều 43; “Nhà thầu có nghĩa vụ thực hiện thu dọn công trình dầu khí theo kế hoạch thu dọn công trình dầu khí khi được phê duyệt. Việc thu dọn công trình dầu khí phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam” tại khoản 1 Điều 45.

>> Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi): Không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung và hạ nguồn

Chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm kiểm tra trước khi thẩm định - Ảnh minh họa

Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng: “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí và trách nhiệm của cơ quan quản lý, ông Phạm Văn Sơn đề xuất làm rõ, bổ sung vào trong Luật Dầu khí cần có những điều khoản đó như:

Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp, các tổ chức tiến hành các hoạt động dầu khí phải thực hiện 2 nội dung: Phải xây dựng trình cơ quan quản lý có thẩm quyền (có thể là Bộ Công Thương, Tập đoàn Dầu khí hoặc đơn vị nào đó…) thẩm định phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp các sự cố môi trường; triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường sau khi được phê duyệt.

Thứ hai, thực trạng hiện nay kể cả cơ quan quản lý và các doanh nghiệp đều coi thủ tục đấy giống như một thủ tục hành chính. Rất nhiều kế hoạch như: Kế hoạch ứng phó sự cố hóa chất, ứng phó sự cố tràn dầu, sự cố chất thải… sau khi làm xong được phê duyệt thì coi như việc đó là xong và thường cất vào tủ. Do đó 2 nội dung doanh nghiệp và tổ chức cần làm là phải xây dựng kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó triển khai thực hiện. Nếu chỉ thẩm định xong không triển khai thực hiện thì nó không có giá trị gì cả.

Ông Phạm Văn Sơn cũng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần có trách nhiệm kiểm tra trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường của tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động dầu khí; phải thực hành, diễn tập kiểm tra đánh giá thực tế trước khi thẩm định, phê duyệt kế hoạch phòng ngừa và ứng cứu khẩn cấp sự cố môi trường. Đồng thời, cần phải kiểm tra thực tế việc triển khai kế hoạch của tổ chức, cá nhân sau khi thẩm định phê duyệt.

Đồng quan điểm của ông Phạm Văn Sơn, trước đó, PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam - Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam cũng cho rằng, nên quy định cụ thể trong luật vấn đề liên quan tới sự cố môi trường; đồng thời, cần chú trọng việc xây dựng đi vào thực thi, giám sát.

Thực tế, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0”, vì vậy theo một số chuyên gia, Luật Dầu khí (sửa đổi) cũng cần có chính sách để thực hiện các giải pháp giảm phát thải CO2. Đặc biệt, trong việc thu và sử dụng CO2 là phát triển theo hướng trung tâm, phối kết hợp với các giải pháp giảm nhẹ phát thải khác như sản xuất năng lượng xanh, sản xuất, tiêu thụ hydro, vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự điều tiết của Chính phủ.

Theo TS. Đoàn Văn Thuần - Viện Dầu khí Việt Nam, trước mắt Luật Dầu khí đang sửa đổi nên có điều khoản khuyến khích các nhà đầu tư giảm thải phát thải khí nhà kính, trong đó có thu và lưu giữ CO2.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.