Cần sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ

2023-08-24 08:57:38

Đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng về mặt pháp lý lại không thể “vượt rào” vì “vướng” các luật khác.

Đây là chia sẻ của PGS.TS Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) với DĐDN về việc Bộ Công Thương đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho công nghiệp hỗ trợ.

- Thưa ông, việc đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% này liệu có thể tạo một cú hích cho công nghiệp hỗ trợ phát triển?

Theo tôi, đây là đề xuất hợp lý vì đặc thù công nghiêp hỗ trợ là một ngành trong đó các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư lớn nhưng rủi ro đơn hàng lại rất cao. Sản phẩm của họ không bán trôi nổi trên thị trường như hàng hoá tiêu dùng cuối cùng cho nên rất khó khăn.

Trong khi đó, yêu cầu về kỹ thuật lại đòi hỏi cao, rủi ro sản xuất lớn, nếu phải chịu mức lãi vay như các doanh nghiệp kinh doanh, thương mại, dịch vụ khác là không hợp lý. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ và mong Chính phủ đón nhận đề xuất này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Vì xét cho đến cùng, công nghiệp hỗ trợ chính là “linh hồn” của công nghiệp chế tạo, là “hạt nhân” trong quá trình công nghiệp hoá. Đơn cử, từ chế tạo máy bay đến ô tô tất cả các chi tiết nhỏ nhất cũng đều do công nghiêp hỗ trợ làm ra.

Chúng tôi từng kiến nghị cần xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ từ năm 2006, còn nghị định không giải quyết “tận gốc” cho công nghiệp hỗ trợ. Vì nghị định không có luật đỡ đầu nên thường gọi là “nghị định không đầu”. Như vậy, sẽ không vượt qua được các luật khác như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vì công nghiệp hỗ trợ vẫn nằm trong khung luật này.

- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm một số quốc gia thành công trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ?

Mặc dù đề xuất hỗ trợ lãi suất sẽ tạo điều kiện rất tốt cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhưng về mặt pháp lý sẽ rất khó “vượt rào” qua các luật khác. Nhật Bản đã có Luật Công nghiệp hỗ trợ từ năm 1958, còn Việt Nam phải trải qua 65 năm sau mới “bàn” đến việc sửa đổi nghị định là quá muộn.

Đơn cử, Việt Nam chưa chế tạo được máy CNC, không có vật liệu chế tạo, thép hợp kim, các mác thép cao cấp… và phải mua từ nước ngoài. Việt Nam cũng không phải là “nhà thiết kế”, chỉ nhận bản thiết kế có sẵn từ nước ngoài để thực hiện.

Hàn Quốc đã khắc phục tình trạng này từ năm 1960 sau khi Nhật Bản có Luật Công nghiệp hỗ trợ. Khi Nhật Bản “tràn” sang thì Hàn Quốc đã ra quy định về chuyển giao công nghệ để đón bắt công nghiệp hỗ trợ và họ đã thành công.

Công nghiệp hỗ trợ yêu cầu về mặt kỹ thuật cao, rủi ro sản xuất lớn, nếu phải chịu mức lãi vay như các doanh nghiệp kinh doanh, thương mại, dịch vụ khác là chưa hợp lý. Ảnh: H.Hạnh

- Đến thời điểm này lãi suất ngân hàng đã giảm nhưng doanh nghiệp, nhất là các DNNVV, các DN hỗ trợ vẫn khó tiếp cận vốn vay, thưa ông?

Hệ thống ngân hàng, đặc biệt với các ngân hàng thương mại là doanh nghiệp kinh doanh tiền, lấy thu bù chi, không thể để nợ “quá xấu” theo quy định của Chính phủ và nền kinh tế cho phép.

Cho nên, khi ngân hàng cho một loại doanh nghiệp nào đó vay một khoản vay dưới mức lãi suất ấn định của ngân hàng là vấn đề rất khó. Do đó, các ngân hàng yêu cầu doanh nghiệp phải chi tiết các khoản mục vay là đúng.

Vấn đề lớn nhất ở đây vẫn là Việt Nam không có luật nào định chế cho công nghiệp hỗ trợ để có những chính sách đặc trưng. Ví dụ, quy định một khoản tiền cho công nghiệp hỗ trợ thì không bị vướng vào các quy định chung của hoạt động ngân hàng. Phải coi đây như một loại đầu tư đặc biệt và được Nhà nước bảo lãnh.

Đề xuất hỗ trợ này chỉ là nghị định nên không đủ “sức nặng”, ngân hàng sẽ “phản biện” họ đang cho doanh nghiệp khác vay 7-8%, bây giờ yêu cầu cho vay 5% thì lấy phần bù ở đâu để trả?

Như vậy, xét ở góc độ chính sách đề xuất này rất khó thực thi vì không mang tính đặc thù, không có cơ sở, nguồn lực nào để triển khai. Nhật Bản, Hàn Quốc có luật riêng, Chính phủ nên trích một khoản tiền từ ngân sách để hỗ trợ.

Do đó, để đề xuất này triển khai được thì nhà nước phải thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nguồn tiền lấy từ ngân sách và coi đây như một khoản chi tiêu hàng năm của ngân sách nhà nước.

Chính phủ có đồng ý đề xuất này thì ngân hàng cũng rất khó thực hiện, vì còn liên quan đến rất nhiều luật, nghị định, thông tư hoạt động của ngành ngân hàng. Doanh nghiệp không giải thích được là đối tượng ưu tiên như thế nào để được vay ưu đãi 3%, và dựa trên cơ sở pháp lý gì?

Mặc dù đề xuất này khó thực hiện, nhưng dù sao đây cũng như một “tiếng chuông” báo cho Chính phủ biết đến một ngành đang rất cần và xứng đáng được hỗ trợ.

- Vậy, ông có đề xuất kiến nghị gì để tạo ra sự thay đổi cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trong thời gian tới?

Vấn đề quan trọng hàng đầu là cần nhanh chóng ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam phải có một đạo luật về lĩnh vực này, sau đó mới có thể bàn chi tiết hơn đến việc hỗ trợ.

Trong luật phải có mục quy định cụ thể có một khoản ngân sách để hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ, khi đó ngành này mới thực sự có được cơ hội “cất cánh”.

Nếu hiện nay chỉ yêu cầu hỗ trợ vốn vay, lãi vay, ưu đãi giá đất cho thuê, hỗ trợ đào tạo… thì sẽ không có đề xuất nào thực hiện được, vì các luật khác cũng có những đề xuất này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Báo diễn đàn doanh nghiệp