Cần cải thiện năng lực ứng phó phòng vệ thương mại

2022-07-26 07:49:00

Trước những rủi ro phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế, chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp nghiệp Việt Nam cần chủ động cải thiện năng lực ứng phó…

>> Nguy cơ tủ gỗ xuất khẩu bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại ( Bộ Công Thương ), số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tăng nhanh trong những năm gần đây - Ảnh minh họa

Cụ thể, tính đến tháng 7 năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 214 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Riêng trong nửa đầu năm, đã có 12 vụ việc điều tra mới đối với các sản phẩm sắt thép, tủ gỗ, pin năng lượng Mặt Trời... Trong đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng tại các thị trường có tần suất điều tra nhiều như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Australia và Canada.

Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không chỉ khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của cả ngành hàng và việc làm của hàng triệu lao động, mà còn gây tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Nhận định về thực trạng đã nêu, chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành cho biết, xu thế phòng vệ thương mại đang mạnh lên, không chỉ các thị trường mới mà cả thị trường truyền thống cũng gia tăng những vụ kiện. Ngoài ra, không chỉ mặt hàng có thế mạnh mà mặt hàng mới, có tiềm năng xuất khẩu cũng trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại.

“Đây là nguy cơ và là khó khăn rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam trong giai đoạn nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng với thế giới”, ông Thành chia sẻ.

Theo vị chuyên gia này, nhận thức và sự quan tâm của doanh nghiệp vẫn chưa thực sự chuyển biến tích cực. Đến nay, công cụ phòng vệ thương mại có thể nói chưa thấm vào doanh nghiệp và doanh nghiệp cũng chưa nắm chắc được các tiêu chuẩn, đòi hỏi của thị trường xuất khẩu; chưa có thói quen để ứng dụng tiêu chuẩn vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp chưa có sự hợp tác trong việc đảm bảo lợi ích, chú trọng nâng cao năng lực pháp lý… Đây chính là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.

>> Hoa Kỳ gia hạn kết luận cuối cùng về phòng vệ thương mại với gỗ dán cứng

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nghiệp Việt Nam cần chủ động cải thiện năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm với TS. Võ Trí Thành, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho hay, số doanh nghiệp có khả năng ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại thường ở những ngành đã từng bị kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm ứng phó.

“Xu hướng kiện phòng vệ thương mại đang có chiều hướng gia tăng, trong khi thông tin về quy trình điều tra, kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp từ thị trường của doanh nghiệp là không có nhiều; nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực vẫn chưa đủ”, bà Trang chia sẻ.

Thực tế cho thấy, năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp hoang mang, lo lắng, tìm cách bán hàng… dẫn tới xu hướng giá lao dốc, năng lực cạnh tranh bị thu hẹp. Đây cũng là năm mà lần đầu tiên Việt Nam chứng kiến số vụ kiện phòng vệ thương mại tăng kỷ lục, với 40 vụ việc được khởi xướng điều tra, con số này gấp đôi thậm chí gấp ba so với nhiều năm trước đó.

Và ở chiều ngược lại, lần đầu tiên Việt Nam cũng khởi kiện 6 vụ việc phòng vệ thương mại so với con số trung bình 3,4 vụ/năm so với các năm trước.

Đến năm 2021, do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá hàng hóa tăng cao nên xu hướng các nước không điều tra áp dụng phòng vệ thượng mại, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra áp dụng phòng vệ thương mại chỉ khoảng 10 vụ việc.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, xu hướng diễn biến giá chỉ trong ngắn hạn, không bền và rất khó dự đoán, nên việc xuất hiện các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa Việt Nam rất khó lường. Trong khi đó, tâm lý của doanh nghiệp Việt Nam là ngại, né tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chưa có bộ phận về pháp lý và thiếu sự quan tâm đến phòng vệ thương mại nếu chưa trải qua va vấp.

Từ đó, theo các chuyên gia, trong thời gian tới đây, nguy cơ các thị trường sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm thay thế công cụ thuế quan được loại bỏ theo cam kết trong các FTA là không tránh khỏi. Vì thế, doanh nghiệp cần chú ý, quan tâm đến việc các nước sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thể tăng lên; đồng thời tuân thủ các quy định về hàng hóa của nước nhập khẩu; theo dõi hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại để có sự ứng phó kịp thời, bởi càng ứng phó sớm thì càng có lợi.

Được biết, để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý và trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc.

Đồng thời, tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định, thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp; trao đổi, tham vấn đưa ra quan điểm của ta về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn của vụ việc với Cơ quan điều tra của nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.