Động lực thúc đẩy thị trường nhìn từ nâng cao dân trí tài chính

2022-10-13 14:49:00

Việc giáo dục tài chính có tầm quan trọng rất lớn, khi người dùng hiểu biết thì sẽ có tính giám sát, khiến bản thân thị trường cũng tốt hơn. Giám sát tốt nhất là giám sát từ đám đông thị trường.

>> Cách hoạch định tài chính cá nhân của những người giàu nhất thế giới

Đó là nhận định của ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Ông đánh giá thế nào về tầm nhìn trong quản lý tài chính cá nhân của người Việt Nam hiện nay?

Bất kỳ thị trường nào cũng đều phải trải qua đầy đủ các giai đoạn phát triển, mà giai đoạn đầu tiên chính là thức tỉnh. Trong vòng 3 năm qua, Việt Nam đã ở trong giai đoạn thức tỉnh và mọi người bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến tài chính cá nhân. Trước đó, nhắc đến tài chính cá nhân, nhiều người vẫn còn dị ứng, cho đến khi các yếu tố từ bên ngoài như đại dịch tác động đến môi trường sống, khiến vấn đề quản lý tài chính như thế nào, ứng phó với các biến cố ra sao mới thực sự được quan tâm.

Ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính

Đến nay, chúng ta đã đi qua giai đoạn thức tỉnh để bước vào giai đoạn nhận biết, cụ thể là mọi người bắt đầu tìm hiểu, học hỏi, tìm tòi các phương pháp về quản lý tài chính cá nhân, giai đoạn này có thể kéo dài 3 năm. Như vậy, mỗi một giai đoạn sẽ kéo dài từ 2-3 năm theo chu kỳ của nền kinh tế thay đổi.

Hiện nay, phần lớn dân số của Việt Nam đang ở độ tuổi rất quan tâm đến tài chính, khoảng từ 25 - 34 tuổi, nhưng chỉ 5 năm nữa khi trôi đến mốc 40, nhiều người sẽ thấy được tầm quan trọng của quản lý tài chính. Những ai có sự chuẩn bị tốt trong giai đoạn này sẽ rất vững chắc về tài chính trong tương lai, đồng thời khi đó sẽ bắt đầu giai đoạn hành động và được phản ánh rõ nét vào nền kinh tế.

Có thể lấy một ví dụ đơn giản là ở giai đoạn thức tỉnh, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam mới chiếm khoảng 5% dân số, nhưng so với Đài Loan, Thái Lan hay các quốc gia khác đã đi trước Việt Nam một khoảng thời gian, thì chúng ta vẫn còn thua xa họ. Vì vậy khi đến giai đoạn hành động, số lượng này sẽ tăng lên, mọi người sẽ hiểu thế nào là đầu tư và đầu tư sao cho đúng. Việc đi đúng đường rất quan trọng, còn hiện tại chúng ta mới hết giai đoạn thức tỉnh nên vẫn coi đầu tư với tâm thế “sáng nắng chiều mưa”, “đánh bạc” lên xuống...

Tuy nhiên, cần rất nhiều yếu tố để một thị trường phát triển, ở các quốc gia như Singapore họ đã có chiến lược quốc gia về nâng cao dân trí tài chính, nhưng Việt Nam điều này vẫn chưa được quan tâm đúng mức, mới dừng lại ở các cảnh báo của cơ quan quản lý Nhà nước, song đôi khi lại chưa phù hợp với môi trường thực tế.

Tôi muốn đề cập rằng, việc giáo dục tài chính có tầm quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều. Minh chứng rõ nhất là thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán xảy ra một số sự cố như tăng vốn ảo, thao túng giá cổ phiếu,... bởi người tham gia thiếu sự hiểu biết về thị trường. Trong khi đó, cơ quan quản lý chỉ làm đúng chức trách là đặt ra quy định và hậu kiểm, ngoài ra không thể quản được các diễn biến trên thị trường. Vậy mới nói, để quản lý thị trường tốt nhất chính là hành động từ thị trường, nếu chúng ta có nền tảng dân trí tốt, tiếp cận tốt, thì tự khắc những cái xấu sẽ được loại bỏ, không có hiện tượng hô hào thổi giá cổ phiếu.

- Vậy ông có thể lý giải vì sao đến nay chúng ta vẫn chưa có tỷ phú tài chính người Việt?

Tại Việt Nam hiện đã có tỷ phú trong các lĩnh vực như bất động sản, sản xuất, ô - tô, thép hàng không, hay tài chính ngân hàng... Nhưng tỷ phú xuất phát thuần tuý từ đầu tư lại khác, đòi hỏi điều kiện thị trường tài chính phải có quy mô, phát triển đủ lớn. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán của Việt Nam vẫn là quy mô của thị trường cận biên, nhiều tổ chức quốc tế chưa muốn gia nhập thị trường Việt Nam vì điều này, dẫn đến những người làm đầu tư thuần túy khó có thể trở thành tỷ phú đô la Mỹ.

- Sau gần 1 năm phát triển ứng dụng TOPI, tham vọng của doanh nghiệp thông qua ứng dụng này là gì, thưa ông?

Mục tiêu của ứng dụng TOPI là công cụ quản lý tài chính cá nhân và giúp người dùng có thể quản lý đa tài sản trên một nền tảng. Thông qua TOPI, người dùng có thể lập kế hoạch tài chính, tiết kiệm, tích lũy và sau đó mới đầu tư vào các tài sản.

Tầm nhìn của TOPI là cung cấp hai nội dung bao gồm: Thứ nhất , mang đến kiến thức để nâng cao dân trí tài chính. Thứ hai , trên nền tảng đó, người dùng phải hiểu được họ cần làm gì, nên làm gì, sau đó mới cung cấp công cụ để cá nhân có thể kết nối một cách hợp pháp với các tổ chức, như các Quỹ thì cung cấp chứng chỉ quỹ theo quy định pháp luật. TOPI vẫn giữ nguyên tắc là không thu hút người đầu tư.

Với mục tiêu như vậy, chúng tôi mong muốn trong 2-3 năm tới, có thể giúp hàng triệu người Việt Nam nâng cao năng lực về quản lý tài chính cá nhân, hỗ trợ cho thị trường trở nên lành mạnh, phát triển, góp phần giúp nguồn lực tài chính phân bổ một cách hiệu quả trong nền kinh tế. Đặc biệt, khi người dùng hiểu biết thì sẽ có tính giám sát khiến bản thân thị trường cũng tốt hơn. Giám sát tốt nhất là giám sát từ đám đông thị trường.

>> Fintech: Làm gì để đáp ứng tài chính toàn diện?

- Thông qua TOPI, ông nhận thấy nhận thức người dùng đã có thay đổi như thế nào về quản lý tài chính?

Với chiến lược rõ ràng của TOPI, trong thời gian sắp tới, chúng tôi cũng sẽ đưa ra những sản phẩm mang tính AI (trí tuệ nhân tạo) để tổng hợp thông tin khuyến nghị, tích hợp vào các kế hoạch tài chính hỗ trợ người dùng. Trong đó, TOPI có hai tập người dùng là những người quản lý tài chính cá nhân và những người làm tư vấn tài chính.

Thu nhập của người dân là khác nhau, có những người thu nhập cao, tài sản lớn, nhưng cũng có những người thu nhập thấp đến trung bình, khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng... phải khẳng định rằng họ vẫn có cơ hội để đầu tư bằng cách tiết kiệm từ những số tiền nhỏ

Tư vấn tài chính là một nghề rất được coi trọng ở các quốc gia phát triển với tiêu chuẩn khắt khe, nhưng ở Việt Nam thì vẫn còn mới, những tệp người dùng này nhận thức được rất mạnh mẽ việc họ sẽ phải nâng cao năng lực, trình độ nhất là trong giai đoạn thị trường như hiện nay. Khi họ nâng cao được năng lực và định hướng tài chính cá nhân, sẽ kéo theo được các khách hàng tiếp cận một cách đúng đắn với thị trường. Đó gọi là nhận thức độc lập giúp người dùng có những nhận biết tối thiểu về rủi ro, về biến động của thị trường và không có câu chuyện hô hào “bao lỗ” khi tham gia đầu tư.

Đáng chú ý, trước kia các công ty chứng khoán chỉ có đội ngũ broker tư vấn cho khách hàng sử dụng các dịch vụ tài chính, nhưng đến nay họ bắt đầu đào tạo đội ngũ này như những người cố vấn chuyên nghiệp, theo cách tiếp cận đúng đắn về quản lý tài chính cá nhân. Trong tương lai, Việt Nam cũng phải hướng tới mục tiêu này khi dân số bắt đầu già hóa và khẩu vị đầu tư của số đông cũng khác đi nhiều.

- Có thể thấy Fintech là một xu hướng ngày càng phát triển mạnh trong tương lai, đối với lĩnh vực này, ông có khuyến nghị thế nào cho các doanh nghiệp Fintech, thưa ông?

Xét trên toàn thế giới, Fintech đúng là một xu hướng tất yếu. Xét trên bình diện quốc gia, có Mỹ là thiên đường phát triển Fintech, hay tại Úc, ngành được Chính phủ nước này khuyến khích nhập cư nhiều nhất, được điểm nhập cư tốt nhất chính là Fintech . Từ những ví dụ đó để thấy rằng, sự kết hợp của công nghệ là xu hướng không thể đảo ngược, bao gồm các lĩnh vực khác như tài chính, giáo dục, y tế và trí tuệ nhân tạo. Bản thân các tổ chức, những định chế lớn như ngân hàng, các quỹ đầu tư lớn họ cũng đang dịch chuyển sang xây dựng các app, đồng thời tính đến những sản phẩm sử dụng AI tương tự các công ty Fintech.

Không nói đâu xa, đã có nhiều công ty chứng khoán của Việt Nam không sử dụng môi giới, mà chỉ áp dụng thuần công nghệ nhưng họ vẫn tiến rất nhanh, cũng có những công ty kết hợp cả hai bao gồm môi giới và công nghệ, hay giúp môi giới dùng công nghệ để đạt được hiệu quả cao trong công việc. Từ đó huy động được người dân tham gia thị trường, trong khi thu nhập của người dân là khác nhau, có những người thu nhập cao, tài sản lớn, nhưng cũng có những người thu nhập thấp đến trung bình, khoảng 6-7 triệu đồng/ tháng... phải khẳng định rằng họ vẫn có cơ hội để đầu tư bằng cách tiết kiệm từ những số tiền nhỏ. Những đối tượng người dùng như vậy rất cần các công cụ để tích lũy, giúp họ quản lý tài chính tốt, đúng với khuyến khích của Chính phủ về tài chính vi mô (micro finance), thâm nhập nhanh chóng đến cộng đồng.

Tuy nhiên, điều mà các công ty Fintech cần đó là hành lang pháp lý, là cơ chế sandbox giúp họ có thể hoạt động minh bạch hơn, quản lý tốt hơn, có thể tồn tại và mang đến giá trị tốt hơn. 5 năm trước, chúng ta không nói nhiều đến Fintech, không nói đến mở tài khoản chứng khoán chỉ thông qua việc tải app, nhưng chỉ 5 năm trôi qua, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều và 5 năm tiếp theo sẽ còn thay đổi mạnh mẽ hơn nữa. Như vậy để thấy công nghệ đã làm thay đổi con người ra sao và quốc gia nào cũng cần có chiến lược về công nghệ.

Ngay cả chiến lược về Fintech, Chính phủ Việt Nam cũng đã có, nằm trong Nghị quyết của Chính phủ nhưng vấn đề là các cơ quan sẽ tạo ra hành lang như thế nào để thúc đẩy lĩnh vực này. Muốn phát triển thị trường tài chính và có sự giám sát thì phải có hành lang cởi mở. Thực tế, các đơn vị, tổ chức tham gia vào thị trường cũng nhận thức được về văn hóa, môi trường của Việt Nam với cơ chế quản lý khác biệt, nhưng có một ưu điểm là Việt Nam có sự ổn định tương đối so với nhiều nước khi thế giới bất ổn, điển hình là các vấn đề như tỷ giá, lãi suất, kinh tế vĩ mô...

- Còn về văn hóa, đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp hiện nay và trên thị trường tài chính, ông có nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Như tôi đã nói, bất kỳ cái gì cũng đều cần phải có quá trình, về quy mô, tốc độ và tính hiệu quả sẽ tăng lên dần đều. Tại Việt Nam, xét trên góc độ tổng thể, các doanh nghiệp bắt đầu hướng đến phát triển bền vững và coi đó là mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân có nhận thức tốt hơn về điều này, bởi vì họ hiểu giá trị mang lại cho xã hội sẽ mang lại lợi nhuận cho công ty và cổ đông.

Có thể so sánh doanh nghiệp cũng như một con người, sẽ có cách hành xử thông qua cái tâm mình mong muốn đóng góp, cống hiến những gì. Câu chuyện đặt ra là, chúng ta phải kết hợp được ba yếu tố bao gồm: môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Những yếu tố này sẽ giúp cải thiện được đạo đức kinh doanh trong doanh nghiệp.

Trên cả hai thị trường kinh doanh và thị trường tài chính vừa qua có những sự kiện xấu xảy ra, chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải có đạo đức kinh doanh. Nhưng vẫn phải nhấn mạnh cái gì cũng cần có quá trình, trong khi Việt Nam vẫn đang ở trong giai đoạn nhận biết, dễ dẫn đến các sự kiện xấu xảy ra khi bị lợi ích chi phối.

Như cô Mai Thanh - Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh REE có nói một câu rất hay đó là: “Nếu làm cho doanh nghiệp lợi nhuận 1 đồng, lại gây hại cho xã hội 2 đồng, mà 2 đồng đó không ghi vào chi phí trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp, nhưng xét trên tổng thể là đang tạo ra giá trị âm và không thể phát triển được”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.