Lãnh đạo LEGO Carsten Rasmussen cho rằng, quyết định chọn Việt Nam để xây nhà máy là vô cùng đúng đắn. Trong khi đó, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, đây là "kỳ tích lịch sử".
>> Lego - Mảnh ghép lớn trong bức tranh hút vốn đầu tư ESG của Việt Nam
Hệ thống trò chơi của LEGO, với nền tảng là những viên gạch LEGO.
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa có cuộc tiếp Giám đốc vận hành Tập đoàn LEGO Carsten Rasmussen, khi ông đang có chuyến công tác tại Việt Nam để thúc đẩy công tác chuẩn bị cho dự án của Tập đoàn có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD tại Bình Dương.
Đại diện tập đoàn LEGO cho biết, dự án có quy mô 44ha dự kiến sẽ được triển khai vào nửa cuối năm 2022 và bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2024, góp phần tạo ra 4.000 việc làm. Đây sẽ là nhà máy thứ 6 của LEGO trên thế giới và thứ 2 ở châu Á với kỳ vọng sẽ giúp LEGO mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu của LEGO, qua đó đáp ứng linh hoạt, nhanh chóng sự thay đổi về nhu cầu tiên dùng ở mỗi khu vực.
Tại cuộc gặp, Giám đốc điều hành LEGO Carsten Rasmussen khẳng định đây là "sự lựa chọn hết sức đúng đắn".
3 tháng cho dự án tỷ đô
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đánh giá cao quyết định đầu tư nhà máy thứ 6 trên toàn cầu của LEGO tại Bình Dương, cho rằng đây là "kỳ tích lịch sử" bởi dự án được quyết định trong thời gian ngắn kỷ lục trong khi dịch Covid-19 làm gián đoạn các dòng vốn đầu tư và thương mại quốc tế, thể hiện quyết tâm rất cao của cả phía Việt Nam và Tập đoàn LEGO.
Cụ thể, trong cuộc gặp ngày 17/9/2021, Đại sứ Đan Mạch đã thông báo với Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh về việc LEGO đang tìm kiếm một địa điểm đầu tư nhà máy mới tại Đông Nam Á và mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.
Đáp lại, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định sẽ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo LEGO để kết nối dự án này.
Để thúc đẩy dự án, nhân dịp tham dự Hội nghị COP26 tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp trực tiếp với Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO vào sáng 1/11/2021 tại Glassgow.
Chưa đầy một tháng sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Giám đốc điều hành LEGO Carsten Rasmusssen vào tháng 11/2021, ngày 8/12/2021, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Tập đoàn LEGO đã tiến hành ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) để xây dựng một nhà máy mới tại tỉnh Bình Dương.
>> Vì sao Lego mở rộng sản xuất ở Châu Á?
Đầu tư dài hạn để đón đầu thị trường
“Nhà máy mới đang xây dựng ở Việt Nam sẽ giúp LEGO sớm đạt mục tiêu phát triển dài hạn tại châu Á. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng, nhà máy này nằm gần kề các thị trường chính trong khu vực để rút ngắn thời gian cho quy trình sản xuất”, ông Carsten Rasmussen nói.
Công nhân trong nhà máy Lego tại Trung Quốc.
Triển vọng về một thị trường bùng nổ và mong muốn giành thị phần được cho là nguyên nhân khiến LEGO quyết định đầu tư nhà máy trên. Bởi người dân Đông Nam Á sẽ ngày càng giàu có hơn, tỷ lệ sinh cao hơn so với các khu vực khác. Việc đặt nhà máy ở khu vực này là hợp lý, đặc biệt ở Việt Nam, bởi từ Việt Nam giao hàng tới một số thị trường cốt lõi khác nhanh hơn, cắt giảm được chi phí vận chuyển và khí thải CO2.
Dự kiến nhà máy ở Việt Nam chủ yếu sản xuất đồ chơi cho thị trường Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Trong khi đó, nhà máy tại Trung Quốc tập trung cho thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
LEGO không phải là “ông lớn” duy nhất trong lĩnh vực đồ chơi trên thế giới đặt nhà máy ở Việt Nam. 14 năm trước, Công ty Banco (một chi nhánh của Công ty Namco Bandai) đã mở nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Hải Phòng để xuất khẩu sang châu Âu. Trước đó, hãng đã bắt đầu sản xuất đồ chơi dành cho trẻ em tại Đà Nẵng. Bandai dự tính sẽ thông qua các đối tác tại Trung Quốc để mở rộng thị phần và tăng việc sản xuất tại Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Takara Tomy (Nhật Bản), sau nhiều năm mở nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, đã mở 3 nhà máy sản xuất đồ chơi tại Hải Phòng. Hiện 1/3 sản phẩm của Tập đoàn xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đều được sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh tiềm năng thị trường, vị trí địa lý thuận lợi cho logistics, chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nguồn lao động phù hợp... là những lý do khiến cho các hãng đồ chơi danh tiếng trên thế giới tìm đến Việt Nam đầu tư.
Được biết, một trong những điểm đặc biệt của nhà máy mới của LEGO tại Việt Nam là nhà máy trung hòa carbon và quá trình xây dựng tuân thủ theo tiêu chuẩn vàng của LEED (Định hướng thiết kế về môi trường và năng lượng). Theo kế hoạch, nhà máy mới của LEGO sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái và VSIP sẽ thay mặt LEGO xây dựng một dự án năng lượng mặt trời kế bên. Từ đó mạng lưới năng lượng mặt trời này sẽ sản xuất đủ năng lượng tái tạo để đáp ứng 100% yêu cầu hằng năm của nhà máy.
Nhà máy cũng thiết kế để vận hành các loại xe điện và được trang bị các thiết bị sản xuất giúp nâng cao hiệu quả năng lượng. Tập đoàn LEGO cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy.
Việt Nam dường như đang trở nên ngày càng hấp dẫn về khía cạnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đánh giá về điều này, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam có chung nhận định rằng Việt Nam đã trở thành một địa điểm hấp dẫn cho các đối tác quốc tế, nhờ vào cam kết mạnh mẽ của Chính phủ nhằm làm giảm khí thải carbon và sự tích cực đối phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.
TX Kỳ Anh hà Tĩnh
Khách sạn Đức tài Tâm Đạt khối 5 TT...