Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình

2025-04-29 08:38:52

Trải qua 2 cuộc chiến tranh trường kỳ kháng chiến để đạt đến Thống nhất Đất nước cách đây hơn một nửa thế kỷ, Việt Nam ngày nay đang khẳng vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đặc biệt, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, là sức mạnh to lớn đưa đất nước tiến về phía trước trong một hành trình hiện thực khát vọng đẹp nhất của Quốc gia Thịnh Vượng.

304.jpg
Các khối diễu binh, diễu hành hợp luyện chuẩn bị cho Đại lễ chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

“Việt Nam - Ngôi sao đang lên” của ngày hôm nay

Nhưng trước khi biết về quốc gia đang hướng đến sự hưng thịnh và phát triển trong hôm nay, nhiều người, nhiều nhà đầu tư quốc tế khi được nghe nói về “Việt Nam”, thường hình dung ngay đó là quốc gia đã trải qua những cuộc chiến tranh, và gắn với các chiến thắng lẫy lừng gồm sự kiện “Fall of Saigon” 30/4/1975 – Thống nhất đất nước.

“Hễ nhắc đến Việt Nam thì hầu hết mọi người phương Tây đều nghĩ ngay đến chiến tranh. Với họ, Việt Nam thường là một danh từ để chỉ một cuộc chiến (The Vietnam War).

“Tôi muốn để nhà đầu tư, các nhà kinh doanh quốc tế biết về một Việt Nam khác hơn, “một ngôi sao đang lên của châu Á dành cho bất kỳ ai quan đến Việt Nam cũng như tương lai của châu Á” chứ không phải là Việt Nam đã vượt qua đạn bom để chiến thắng trong những trận chiến của quá khứ, ông Brook Taylor - Tổng Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital chia sẻ khi ông viết để mở ra cái nhìn hoàn toàn mới về Việt Nam qua cuốn sách “Việt Nam ngôi sao đang lên của châu Á” – được đông đảo nhà đầu tư đón nhận.

Dù vậy, lịch sử của Việt Nam không thể không nhắc đến những cuộc chiến tranh. Ngay chính ông Brook Taylor cũng chia sẻ: “ký ức đầu tiên của tôi về truyền hình là khi chiếc tivi Phillip đen trắng của bố mẹ chiếu cảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Sài Gòn năm 1975. Lúc ấy tôi còn quá nhỏ nên không hiểu hết ý nghĩa của sự kiện, nhưng giờ đây nghĩ lại, thật thú vị khi tôi đã sống nửa cuộc đời mình ở đây, một đất nước mà ngày quan trọng nhất của thế kỷ XX của họ đã in sâu trong tâm trí tôi từ khi còn nhỏ”, ông chia sẻ.

Hàng chục năm sống, đi, quan sát, gắn bó với đời sống kinh doanh đầu tư và từng nhịp bước đi từ hồi phục, bước ra từ đổ nát chiến tranh để mở cửa, vươn ra và hội nhập toàn cầu của kinh tế Việt Nam, giờ đây, vị Tổng Giám đốc điều hành của một quỹ lớn gắn bó với thị trường và doanh nghiệp Việt Nam khẳng định: Chiến tranh Việt Nam (hay Kháng chiến chống Mỹ) theo cách gọi của người Việt đã kết thúc nửa thế kỷ.

Phấn đấu vì những kỳ tích tương lai

Nếu như ông Brook Taylor đến từ New Zealand, thì với doanh nhân Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh, một tập đoàn lớn của Việt Nam đang xuất khẩu các mặt hàng nông sản made in Việt Nam đi 102 thị trường toàn cầu, lại đến thành phố mang tên Bác từ phố Cảng Hải Phòng.

“Hơn 20 năm gắn bó, lập nghiệp tại TP HCM, tôi có thể chứng kiến Thành phố này đang đổi thay mỗi ngày. Đất nước của chúng ta đang đổi thay mỗi ngày”, ông Thông nói và chia sẻ thêm, nếu như nhiều năm trước, ông khó tin rằng TP sẽ có một cơ chế đặc thù, năng động để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội như hôm nay. Hàng chục năm trước, chúng ta chưa thể có đầy đủ các dịch vụ và hạ tầng thương mại, nhưng bây giờ chúng ta không thua kém bất kỳ nào TP nào trên thế giới.

“Ngày nay, TP HCM chúng ta đã có metro, tới đây, sẽ có tuyến đường sắt đô thị mở ra khắp mọi nẻo, có cao tốc và tương lai là đường sắt cao tốc thế kỷ. Chúng ta cũng sẽ có trung tâm tài chính quốc tế để có thể ngồi 1 chỗ kết nối với mọi nhà đầu tư trên toàn cầu như London, New York, Singapore… và đang thu hút không ngừng các Tập đoàn đa quốc gia về đây đầu tư. Ngay trong công ty của chúng tôi, cũng đã và đang có những nhân sự là người lao động nước ngoài, là các agent ở Mỹ, ở Đức, họ ưa thích và sẵn sàng làm việc cho công ty Việt Nam, nơi có thể cho họ những đãi ngộ không thua kém gì các doanh nghiệp gì ở phương Tây. Người nước ngoài cũng đã bắt đầu nhìn nhận về TP HCM, về Việt Nam không chỉ là sự hào hùng bước qua chiến tranh của quá khứ. Họ muốn đến TP HCM và xem đây như ngôi nhà thứ 2 của họ, trong không gian dịch chuyển, hội nhập toàn cầu” – ông Thông chia sẻ.

Ước mơ của “người Sài Gòn” Phan Minh Thông, là GDP bình quân đầu người sẽ đạt 15.000 USD vào năm 2030, đúng như mục tiêu Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2030 của TP HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong mục tiêu ấy, đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn mạnh, khu vực tư nhân sẽ có thêm nhiều thế hệ đóng góp ngoài thế hệ doanh nhân 1975 để thúc đẩy Thành phố cũng như toàn nền kinh tế năng động và hiện đại hơn nữa.

Chúng ta có nền tảng, có sức mạnh kiên cường bất khuất của cả một dân tộc đã được minh chứng bằng các chiến thắng lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chúng ta ngày nay có cả sức mạnh mềm và tầm nhìn, động lực từ các chính sách để thúc đẩy đất nước vươn mình. Chúng ta có thể đạt được những bước tiến dài hơn nữa để viết tiếp một lịch sử hào hùng của TP HCM, của đất nước Việt Nam trên thương trường toàn cầu hóa và quốc tế!”, Tổng Giám đốc Phúc Sinh Group bày tỏ.

Theo Lê Mỹ - diendandoanhnghiep.vn