Ngày 21/03/2025, tại thành phố Vinh , tỉnh Nghệ An , Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An có buổi làm việc với Tổ chức mạng lưới Chuyên gia cao cấp Hà Lan PUM (Programma Uitzending Managers) . Tham dự buổi làm việc còn có đại diện Lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Hội Doanh nhân Tiêu biểu, Hội Du lịch tỉnh, Hội Doanh nhân Nữ tỉnh Nghệ An cùng một số đại diện Sở, ngành liên quan.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Lợi – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An đánh giá cao sự quan tâm của PUM đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng. Ông gửi lời cảm ơn Tổ chức PUM và các cá nhân ông Sven Dekker và Bert Jan Post đã đến thăm, làm việc và dành sự quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An. Ông Lợi mong muốn PUM hỗ trợ hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà mà trong đó, hơn 98% trong số 16.000 doanh nghiệp đang hoạt động là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì thế, họ rất cần sự hỗ trợ thiết thực từ phía PUM. Ông Lợi cũng báo cáo với Đoàn công tác về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là thu hút đầu tư và FDI.
Liên tiếp 3 năm nằm trong top những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2025 không chỉ duy trì vị thế mà còn nâng tầm chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài, đồng thời phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số đầy ấn tượng.... Cụ thể, trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đã thu hút hơn 1,74 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 8,8% so với năm 2023. “Thành tựu này đã đưa tỉnh Nghệ An xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về thu hút FDI, đồng thời đánh dấu năm thứ ba liên tiếp tỉnh nằm trong top 10 địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này. Tính đến hết năm 2024, Nghệ An có 169 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 5,68 tỷ USD.”, ông Lợi cho biết.
Ông Sven Dekker, Điều phối quốc gia, Trưởng Đại diện tổ chức PUM tại Việt Nam và ông Bert Jan Post – người kế nhiệm Điều phối quốc gia của Tổ chức PUM tại Việt Nam đã giới thiệu khái quát về một số Chương trình đang triển khai của PUM trên toàn cầu, tại Việt Nam cũng như những Chương trình mà PUM sẽ hỗ trợ, trong đó có tỉnh Nghệ An trong thời gian tới. Ông Dekker cũng đã trình bày khá đầy đủ những thông tin về nguồn lực, mục đích hoạt động, đối tượng và điều kiện được nhận Dự án, cách thức hỗ trợ cũng như thời gian tư vấn.
Cũng tại buổi làm việc, ông Lê Nguyễn Chung, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình khái quát chức năng và nhiệm vụ của VCCI tại khu vực cũng như những hoạt động, đặc biệt là công tác đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian vừa qua. Hàng năm, Chi nhánh tổ chức, phối hợp tổ chức hàng chục khóa đào tạo cho hàng ngàn lượt doanh nghiệp tại khu vực với nhiều chủ đề rất bổ ích, thiết thực. “Chúng tôi mong muốn Tổ chức PUM phối hợp với VCCI tổ chức một khóa đào tạo về sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp tại Nghệ An trong thời gian tới”, ông Chung nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đại diện cho các Hiệp hội, Hội Doanh nghiệp đã có nhiều phát biểu và ý kiến thẳng thắn, mong muốn PUM hỗ trợ trong thời gian tới bởi họ đang rất cần những khóa đào tạo, tư vấn từ các Chuyên gia đầy kinh nghiệm trên thế giới.
Theo đó, PUM là tổ chức hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Ngoại giao Hà Lan, được thành lập vào năm 1978 với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các nước đang phát triển thông qua hình thức tư vấn. Tổ chức PUM hiện có hơn 1.200 chuyên gia cao cấp, thực hiện hơn 2.000 Dự án mỗi năm tại hơn 30 quốc gia trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó có Việt Nam. PUM được hỗ trợ tài chính bởi Chính phủ Hà Lan, Liên minh châu Âu, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức NCW-VNO (Confederation of the Netherlands Industries and Employers). Đến nay, PUM đã hỗ trợ miễn phí hơn 2.000 lượt chuyên gia cao cấp tư vấn, giải quyết vấn đề trên tất cả các lĩnh vực ngành nghề cho doanh nghiệp. Đặc biệt, PUM còn giúp thiết lập quan hệ với doanh nghiệp Hà Lan cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam.
Dự án hỗ trợ đợt này dành cho các doanh nghiệp nằm trong khối kinh tế tư nhân, quy mô nhỏ và vừa, có thời gian hoạt động từ 2 năm trở lên, có từ 10 – 250 nhân viên chính thức (riêng ngành Dệt may từ 50 – 500). Những doanh nghiệp này không có liên doanh với nước ngoài (ngoại trừ liên doanh với các nước mà PUM có triển khai hỗ trợ), cổ phần nước ngoài (nếu có) tối đa không quá 49%, cổ phần Nhà nước (nếu có) không quá 49%./.
PHAN DUY HÙNG ( Chi nhánh VCCI Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình )