DIỄN ĐÀN DOANH NGHIỆP 2025: Trợ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong thế giới biến động

2025-04-17 14:35:32

Bài: Thy Hằng - Ảnh: Tuấn Ngọc 17/04/2025 14:30

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, cần "chìa khoá" then chốt về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và những trợ lực để thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong thế giới biến động.

Phát biểu khai mạc “Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 17/4/2025, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

toancanh1 (29)
Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 có chủ đề "Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh".

"Kinh tế thế giới đối mặt với rất nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, bảo hộ thương mại gia tăng, khiến giá cả hàng hóa, lạm phát tăng trở lại, dòng chảy thương mại có nguy cơ gián đoạn, đứt gãy khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, rủi ro an ninh năng lượng, lương thực, an ninh mạng và thiên tai, khí hậu cực đoan vẫn thường trực…", ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố ngày 2/4 và sau đó cùng với phản ứng của các nước đã, đang và sẽ tác động mạnh mẽ đến kinh tế, thương mại, đầu tư và thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt tác động nhiều đến các nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, trong đó có Việt Nam.

Ở góc nhìn trong nước, số liệu từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý I năm 2025 đạt 6,93%. Tính chung quý I/2025, cả nước có hơn 72,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 24,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

“Tuy vậy, theo khảo sát của VCCI trên quy mô toàn quốc cho thấy chỉ 32% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

toancanh3 (19)
Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh do VCCI chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 17/4.

Đồng thời cho biết, mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn.

Ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, tất cả điều đó cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gẫy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.

“Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Tuy vậy, trong một thế giới biến động, các doanh nghiệp cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ chính quyền các cấp”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.

ongphong1 (6)
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp nói chung còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cũng theo Phó Chủ tịch VCCI, hiện nay, Chính quyền Mỹ đã thông báo tạm hoãn 90 ngày trước khi áp thuế đối ứng với các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên thời gian không dài và thách thức vẫn còn phía trước, đặc biệt với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước đang được đặt ra những vấn đề cấp bách.

Nhắc tới bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, bài viết đã đánh giá những thành công trên chặng đường gần 40 năm đổi mới có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Sự vươn lên mạnh mẽ của nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ làm chủ thị trường nội địa mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

“Tuy nhiên, tôi và các vị ngồi đây chắc hẳn cùng chung nhận định, kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành doanh nghiệp, thậm chí "không muốn lớn"”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Đồng thời cho biết, bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Hệ thống pháp luật vẫn còn chồng chéo, môi trường kinh doanh còn trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dễ gây thêm chi phí và tiềm ẩn rủi ro rất cần được cải thiện trong thời gian sớm nhất.

“Mặt khác, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự đi vào cuộc sống, đối tượng thụ hưởng còn khiêm tốn, tính công bằng trong tiếp cận các loại nguồn lực cho phát triển chưa rõ nét”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

toancanh (34)
Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 tổ chức tại Hà Nội chiều ngày 17/4.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhóm các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng, là nòng cốt dẫn dắt sự phát triển của các ngành và cả nền kinh tế. Chính vì vậy, ông Hoàng Quang Phòng cho rằng, bên cạnh mục tiêu phát triển 2 triệu doanh nghiệp đến năm 2030, Đại hội XIII của Đảng cũng khẳng định “Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế”. Nghị quyết 41-NQ/TW cũng đề ra nhiệm vụ phải “phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới, xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc”.

Hiện nay trong cả nước có khoảng 700 Hiệp hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân trong đó có khoảng 100 hiệp hội có phạm vi hoạt động toàn quốc, còn lại là phạm vi cấp tỉnh huyện; 28 hiệp hội ngành nghề. Hầu hết các doanh nghiệp đang hoạt động đều tham gia một hoặc một số tổ chức hội doanh nghiệp, qua đó tạo ra mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp. Vai trò liên kết doanh nghiệp trong các Hiệp hội ngày càng được nâng cao.

Để góp phần xây dựng cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn mạnh, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Diễn đàn Doanh nghiệp 2025 với chủ đề: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh với mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các quý vị. Chính vì mục tiêu đó, tôi ghi nhận sự nỗ lực của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp khi tổ chức Diễn đàn ngày hôm nay”.

Đồng thời tin tưởng rằng, thông qua Diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan báo chí truyền thông sẽ cùng chung tay để tìm kiếm những giải pháp đồng bộ, đột phá để góp phần cùng cả nước đạt được mục tiêu đề ra, để Việt Nam có thể hội nhập và hội nhập thành công.