Ngày 17/6/2024, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã có buổi tiếp bà Claudia Sanhueza, Thứ trưởng phụ trách quan hệ kinh tế quốc tế, Bộ Ngoại giao Chile cùng đoàn tới thăm và làm việc nhằm trao đổi tăng cường khả năng hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Chile.
Theo đó, ông Phạm Tấn Công mong muốn sẽ hỗ trợ thông tin hơn nữa để doanh nghiệp hai nước tích cực trao đổi và tìm kiếm các cơ hội giao thương. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các loại hàng hóa tiêu dùng như điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, máy móc, hàng dệt, may, giày dép, thủy sản... Nhập khẩu chủ yếu là hàng thủy sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, kim loại, phế liệu sắt thép...
Về FDI, tính đến hết năm 2023, Chile có 4 dự án với tổng vốn đăng ký là 300 nghìn USD, đứng thứ 116 trên 144 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.
Theo bà Thứ trưởng, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển tốt đẹp. Chile coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu tại Châu Á và Đông Nam Á. Ngược lại Việt Nam cũng luôn coi Chile là một đối tác hàng đầu tại khu vực Mỹ Latinh.
Trong thời gian tới, bà Claudia Sanhueza kỳ vọng hai nước sẽ tiếp tục củng cố và đẩy mạnh quan hệ trên mọi mặt. Hai nước đã có tiền đề là nhiều thỏa thuận, hiệp định hợp tác được ký kết giữa hai nước trên các lĩnh vực như kinh tế, thương mại, đầu tư, nông nghiệp, khoa học công nghệ.
Đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Chile năm 2011 có hiệu lực từ năm 2014, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CP TPP năm 2018 và chính thức có hiệu lực tại Chile từ tháng 2/2023 đã đem lại rất nhiều tiềm năng phát triển thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Chile lên một tầm cao mới.
Mặc dù là một thị trường tương đối nhỏ do diện tích hẹp và quy mô dân số ít nhưng Chile là quốc gia có nền kinh tế mở nhất trong khu vực Mỹ Latinh. Chile đã ký 33 hiệp định thương mại và trở thành quốc gia có số lượng hiệp định được ký kết nhiều nhất trên toàn thế giới, đây là nhưng kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam có thể học hỏi được từ Chile.
Chile hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại Mỹ Latinh. Cơ cấu xuất nhập khẩu hai nước có thể bổ sung tốt cho nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đa dạng nguồn cung vật liệu sản xuất với các đối tác xuất khẩu gỗ, đồng và lithium của Chile. Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, các mặt hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, nông sản, thực phẩm, sang Chile.
Việt Nam hiện là thành viên chủ chốt và tích cực của khối ASEAN. Trong khi đó Chile là thành viên của Liên minh Thái bình Dương (AP). Năm 2024, Chile đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của của Liên minh Thái bình Dương (AP) (1), đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hơn nữa hợp tác liên khu vực.
Hai nước cũng có nhiều tiềm năng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế quốc tế như hydro xanh, năng lượng tái tạo điện gió và điện Mặt trời, các lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử v.v. Năng lượng tái tạo tại ở Chile chiếm 40% tổng sản lượng điện và 13% hydro xanh của thế giới được sản xuất từ miền nam nước này.
Theo Chủ tịch VCCI, quan hệ thương mại Việt Nam – Chile ngày càng phát triển. Chile là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,57 tỷ USD, giảm 27,2% so với 2022. Trong đó Việt Nam xuất khẩu 1,19 tỷ USD và nhập khẩu 375 triệu USD.