Xem xét vốn vay lại năm 2022 của các địa phương

2022-11-28 14:28:00

Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận việc đề xuất tăng dự toán vay (tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 8 địa phương.

>> Quốc hội Việt Nam cam kết thực hiện Nghị quyết AIPA 43

Đồng thời, chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng. Ảnh: QH

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết khi Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương tại Phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội , ngày 28/11.

Dự toán vay lại là 18.482 tỷ đồng

Trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, ngày 4/11/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 142/NQ-CP về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Trong đó, Chính phủ đã thông qua nội dung báo cáo của Bộ Tài chính về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương và giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội theo quy định.

Về đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn cho vay lại năm 2022 của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rõ, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 được Quốc hội quyết định là 28.636,7 tỷ đồng, dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 18.482 tỷ đồng.

Về căn cứ pháp lý và thẩm quyền điều chỉnh dự toán vay lại, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu rõ, căn cứ quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn, đối với các địa phương đề nghị tăng dự toán vay lại, trả nợ dẫn đến tăng dự toán vay, trả nợ của địa phương nói chung, việc điều chỉnh tăng mức vay, trả nợ của từng địa phương năm 2022 cần được báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với các địa phương không sử dụng hết dự toán vay của địa phương, Luật Ngân sách Nhà nước không yêu cầu phải báo cáo Quốc hội, trừ trường hợp cần điều chỉnh giảm dự toán ở địa phương này để tăng địa phương khác có nhu cầu.

Để tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng được tối đa nguồn vốn NSTW bổ sung có mục tiêu cho các địa phương năm 2022, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận việc đề xuất tăng dự toán vay (tăng dự toán vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 8 địa phương.

Đồng thời chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.

Bên cạnh đó, giao UBND 8 tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 cam kết giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán để tránh lãng phí.

>> Quốc hội Việt Nam đóng góp vì một ASEAN tự cường

>> Nâng cấp cơ chế Hội nghị cấp cao Quốc hội ba nước CLV

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. Ảnh: QH

Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhận thấy, đề xuất điều chỉnh của Chính phủ làm thay đổi mức bội chi NSĐP và mức vay của các địa phương năm 2022 đã được Quốc hội quyết định.

Đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, nội dung Chính phủ trình về điều chỉnh dự toán NSNN năm 2022 là thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội theo quy định của Luật NSNN, vì vậy Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh không làm vượt mức bội chi NSNN và bội chi NSĐP đã được Quốc hội quyết định, trong quá trình điều hành ngân sách, việc giảm bội chi NSNN là tích cực; bên cạnh đó, một số trường hợp cụ thể, việc điều chỉnh là cần thiết để kịp thời giải ngân.

Vì vậy, để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện giải ngân kịp thời các dự án sử dụng vốn vay lại, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ có thể xem xét, áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật NSNN, theo đó, Chính phủ trình UBTVQH quyết định và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Về thời gian Chính phủ trình UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 53 của Luật NSNN, “Thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành”.

Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ trình UBTVQH ngày 15/11/2022, không bảo đảm thời gian để UBTVQH và Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật NSNN.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Chính phủ, các địa phương đã có văn bản đề nghị khá sớm, song đến nay Chính phủ mới báo cáo UBTVQH là rất chậm, không kịp thời tổng hợp vào Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2022 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4; không bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội và bảo đảm về thời gian theo quy định. Đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về vấn đề này.

Về điều chỉnh tăng dự toán vay năm 2022 của 8 địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, đề xuất của Chính phủ là trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các địa phương. Theo đó, 08 địa phương có nhu cầu tăng mức vốn địa phương vay lại căn cứ theo tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể.

Về thời gian, Chính phủ tổng hợp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chậm, không kịp báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 để Quốc hội xem xét, điều chỉnh cùng với một số nội dung khác trong điều hành NSNN năm 2022.

Việc điều chỉnh tại thời điểm cuối năm cần xem xét tính khả thi của việc giải ngân vốn trong năm ngân sách không, tránh điều chỉnh bổ sung nhưng không kịp thực hiện, lại hủy dự toán.

Về thẩm quyền, việc điều chỉnh tăng mức vay của địa phương cần trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Vì vậy, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị nội dung này cần trình Quốc hội xem xét, quyết định. Một số ý kiến đề nghị rà soát kỹ các kiến nghị của địa phương, trường hợp cần thiết, cấp bách, vì lý do khách quan, kiến nghị UBTVQH cho phép thực hiện theo khoản 2 Điều 52 của Luật NSNN. Đồng thời, Chính phủ chịu trách nhiệm về số liệu điều chỉnh và bảo đảm giải ngân trong năm 2022 và số vay lại của địa phương không vượt hạn mức cho phép.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự Phiên họp thứ 17. Ảnh: QH

Về tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn, đa số ý kiến Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, kiến nghị của địa phương là theo công văn số 2254/UBND-TH từ ngày15/4/2022, đến nay mới điều chỉnh sẽ khó khả thi; bên cạnh đó, việc điều chỉnh cần trình Quốc hội xem xét, quyết định theo đúng thẩm quyền.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, báo cáo UBTVQH cho phép điều chỉnh theo khoản 2 Điều 52 của Luật NSNN để địa phương sử dụng nguồn vốn linh hoạt, hiệu quả.

Về điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, việc điều chỉnh giảm dự toán đối với các địa phương không sử dụng hết vốn vay lại được thực hiện đồng thời cùng với điều chỉnh tăng cho một số địa phương sẽ bảo đảm cho tổng thể không vượt mức bội chi NSNN và bội chi NSĐP Quốc hội đã quyết nghị.

Đồng thời, nếu thực hiện điều chỉnh kịp thời sẽ giúp phản ánh chính xác về tình hình thực hiện dự toán NSNN, các địa phương và Chính phủ chủ động hơn trong điều hành. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, việc điều chỉnh là không thực sự cần thiết, đề nghị hủy dự toán theo quy định của pháp luật.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách kiến nghị thực hiện theo đúng thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh dự toán NSNN theo đúng quy định của Luật NSNN.

Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ và chịu trách nhiệm về việc giải ngân khi đề nghị điều chỉnh. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc tổng hợp kiến nghị của các các địa phương chậm, chưa tổng hợp đầy đủ, kịp thời báo cáo UBTVQH, Quốc hội xem xét, quyết định.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Cho ý kiến về nội dung này, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho rằng việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương thuộc thẩm quyền của Quốc hội xem xét, quyết định.

Quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, theo quy định của Luật NSNN, “thời gian điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện hành”. Tuy nhiên, Tờ trình của Chính phủ trình UBTVQH ngày 15/11/2022, không bảo đảm thời gian để UBTVQH và Quốc hội xem xét, quyết định theo quy định của Luật NSNN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Nhận thấy đây không phải nội dung lớn, số tiền không lớn nhưng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Chính phủ trình thì UBTVQH cho ý kiến và Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nội dung này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 1 năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc Chính phủ tổng hợp báo cáo UBTVQH nội dung này để xem xét theo thẩm quyền là cần thiết, đúng quy định. Đề nghị các Bộ tham mưu cho Chính phủ kịp thời rút kinh nghiệm để đảm bảo thời gian.

Do Chính phủ chưa chuẩn bị kịp nội dung này trình tại Kỳ họp thứ 4 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan rà soát tổng thể để báo cáo UBTVQH cho ý kiến, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc rà soát lại những vấn đề cần phải trình Quốc hội như thuế môi trường, thuế hải quan... Để kịp tiến độ, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và Chính phủ.

Cho rằng từ giờ đến cuối năm còn nhiều việc, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính hoàn thiện lại hồ sơ sớm nhất để UBTVQH có thể sớm báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QH

Góp ý về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã xem xét vấn đề này và thấy rằng, với mức điều chỉnh tăng khoản vay về cho vay lại của 8 địa phương.

Điều chỉnh việc tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn và điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại của 7 địa phương khác không làm thay đổi tổng mức bội chi ngân sách nhưng lại ảnh hưởng mức vay của từng địa phương.

Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải của UBTVQH, do đó theo đúng tinh thần Chính phủ trình, UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại phiên họp này, sau đó trình Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 để đảm bảo tính chặt chẽ và đảm bảo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, và cho biết sẽ rà soát lại và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung liên quan đến Nghị quyết số 43. Đồng thời Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các nội dung để báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.