Doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách hỗ trợ đào tạo lao động

2022-12-02 14:51:00

Với 4 điều kiện rất “áp lực” với nhiều thủ tục hành chính kéo dài, chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

>>> Doanh nghiệp dệt may “co kéo” để giữ lao động

Khai mạc “Hội nghị Người sử dụng lao động 2022: Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trong bối cảnh chịu tác động kép bởi đại dịch COVID-19 và Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong đó nổi lên hai vấn đề thách thức lớn.

“Hội nghị Người sử dụng lao động 2022: Tăng cường công tác đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp”,

"Thách thức kép"

Cụ thể đó là thiếu hụt lao động có kỹ năng và các thay đổi về yêu cầu kỹ năng đối với người lao động dưới tác động của việc thay đổi công nghệ, đặc biệt là tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và tự động hóa khiến cho yêu cầu về kỹ năng của người lao động cũng thay đổi nhanh hơn, chu kỳ thay đổi cũng ngắn hơn.

Theo đó, Phó Chủ tịch VCCI nhận định, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục để đáp ứng với những thay đổi mới.

Trên thực tế, sự thay đổi của các chương trình đào tạo chính quy tại các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn có độ trễ so với thay đổi về nhu cầu trên thị trường lao động. Vì vậy, các chương trình đào tạo ngắn hạn trực tiếp tại doanh nghiệp được coi là một trong những giải pháp tối ưu để có thể giải quyết vấn đề thiếu hụt về kỹ năng lao động hiện tại.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp tại nhiều ngành nghề, bao gồm cả các ngành nghề thâm dụng lao động cho đến các ngành nghề đòi hỏi kỹ thuật cao và những ngành nghề mới thực hiện việc tự đào tạo, trang bị kỹ năng cho người lao động thông qua các chương trình đào tạo nội bộ của riêng mình.

“Tuy nhiên do hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực về tài chính, nhân lực cũng như cam kết của người lao động trong hợp đồng đào tạo dẫn đến các doanh nghiệp chịu nhiều chi phí đào tạo”, ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ.

Phó Chủ tịch VCCI cũng cho biết, theo Báo cáo PCI- 2021 của VCCI cho thấy chi phí đào tạo lao động trung bình của doanh nghiệp trong những năm chiếm 5,69% tổng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, với khoảng một phần ba tổng số doanh nghiệp đã tiến hành cắt giảm lao động trong bối cảnh bị sức ép cắt giảm chi phí.

Đặc biệt, theo ông Hoàng Quang Phòng, bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phát triển nguồn nhân lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra, bối cảnh hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch Covid-19 với những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Trong những tháng cuối năm 2022, các doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp trong các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đang chịu tác động lớn bởi các đơn hàng bị cắt giảm dẫn đến người lao buộc phải nghỉ luôn phiên, giãn việc hoặc cho người lao động nghỉ tết sớm… vậy đây có được xem là thời điểm thích hợp để tăng cường đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động?

Do đó, lãnh đạo VCCI đề nghị các ý kiến trao đổi về cách tiếp cận và thực tiễn thực hành của các bên trong việc tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, từ đó xây dựng và phát triển các mô hình tốt nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác đào tạo và tham gia sâu vào quá trình đào tạo của nhà trường góp phần cải thiện chất lượng nguồn lao động, đáp nhu cầu của doanh nghiệp đồng thời người lao động có cơ hội được nâng cao trình độ kỹ năng và đáp ứng yêu cầu về trình độ đào tạo để nâng cao khả năng phát triển nghề nghiệp.

>>> Nâng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp qua tuân thủ pháp luật lao động

Không có doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ

Cũng tại Hội nghị, ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH cho biết, Chính phủ có chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động với 4 điều kiện quy định, tuy nhiên hầu như không doanh nghiệp nào tiếp cận được.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH.

Cụ thể, 4 điều kiện để tiếp cận chính sách hỗ trợ này gồm doanh nghiệp giảm doanh thu có chứng minh báo cáo thuế, đóng đủ bảo hiểm cho người lao động, khó khăn do kinh tế và có phương án đào tạo. Ông Độ đánh giá đây là những điều kiện rất “áp lực” với doanh nghiệp. Doanh nghiệp mất khoảng 30 ngày để thực hiện các thủ tục này.

“Đến trước khi chúng ta có Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sau đại dịch Covid-19, thì hầu như không có doanh nghiệp nào tiếp cận được chính sách này, thậm chí không có doanh nghiệp làm đề xuất nhận chính sách này. Vậy vấn đề đặt ra là tính hiệu lực có từ 2015, nhưng tính hiệu quả sau 5 năm là “con số 0” vậy vấn đề ở đâu? Để có sửa đổi phù hợp khi sửa Luật Việc làm tới đây bởi thực tế người lao động có nhu cầu, doanh nghiệp có nhu cầu, chính sách có, vậy tại sao?”, ông Độ đặt vấn đề.

Bên cạnh đó, với lao động thất nghiệp, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết thêm, giai đoạn 2015-2021 có 212.000 người lao động thất nghiệp được hỗ trợ học nghề.

Đến Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động sau đại dịch Covid-19, yêu cầu để hỗ trợ doanh nghiệp công tác đào tạo lao động đã được “giảm hết cỡ” so với trước đây, thủ tục hành chính cũng giảm lớn.

“Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ, trong đó chỉ có khoảng 60 doanh nghiệp gửi hồ sơ, trong đó có 36 doanh nghiệp có hồ sơ đủ điều kiện tương ứng khoảng 54 tỷ đồng là quá nhỏ bé”, ông Độ cho biết.

Đặc biệt, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên cho biết Bộ Luật Lao động sửa đổi đã không còn phù hợp. “Chưa bao giờ công tác đào tạo cho người lao động quan trọng đến vậy, để nâng cao chất lượng người lao động, doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh và thu hút đầu tư. Đại dịch Covid-19 và sự phát triển của cách mạng công nghiệp cho thấy nguy cơ mất việc làm và thất nghiệp cao. Do đó, phải đẩy mạnh đào tạo, đặc biệt tăng cường đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho người lao động”, ông Độ nhấn mạnh.

Đề xuất sửa đổi các điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động dể tiếp cận với chính sách: điều kiện về suy giảm kinh tế, điều kiện về không đảm bảo kinh phí để đào tạo.

Do đó, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên đề xuất, tăng cường phổ biến chính sách để trao đổi, hướng dẫn triển khai chính sách.

Sửa đổi các điều kiện để người lao động và người sử dụng lao động dể tiếp cận với chính sách: điều kiện về suy giảm kinh tế, điều kiện về không đảm bảo kinh phí để đào tạo.

“Có những công ty chúng tôi đi thực tế thấy doanh thu tăng nhưng lợi nhuận âm do chi phí tăng, do đó, các điều kiện về doanh thu hay điều kiện kinh phí đào tạo khó định lượng, cần sửa đổi”, ông Độ cho biết. Cùng với đó, đơn giản hoá các thủ tục hành chính gồm thành phần hồ sơ, xác nhận của Bảo hiểm xã hội…

Đồng quan điểm, TS Abla Safir, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, mặc dù đã có các chính sách hỗ trợ nhưng yêu cầu vẫn phức tạp, thiếu hướng dẫn cho doanh nghiệp.

Do đó, WB khuyến nghị cần đơn gản hoá quy trình, tăng cường nhận thức về các văn bản chính sách hỗ trợ đó. Tạo động lực cho cả doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, tạo mối liên kết hợp tác giữa các bên phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghiệp.

Nguồn: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp.