VCCI NGHỆ AN: tổ chức đào tạo tiếp cận thị trường và khách hàng toàn cầu cho doanh nghiệp

2021-09-29 07:32:50

Trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang là xu hướng tất yếu đem lại hiệu quả tiếp cận một cách nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt từ năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, thương mại điện tử xuyên biên giới đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Nghệ An xuất khẩu hàng hóa và tiếp cận thị trường thế giới một cách nhanh chóng và hiệu quả. Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản.

Đó là nhận định của ông Phan Hùng – Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại Chi nhánh VCCI Nghệ An tại Khoá đào tạo trực tuyến:“Tiếp cận thị trường và khách hàng toàn cầu thông qua các giải pháp từ Alibaba.com” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Alibaba Việt Nam tổ chức gần đây cho các doanh nghiệp tại Nghệ An và Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) đã mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế đất nước nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Các doanh nghiệp, vì thế cũng nhanh chóng nắm bắt cơ hội thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua TMĐT. Hiện nay có hơn 30% doanh nghiệp Việt Nam đã thiết lập quan hệ kinh doanh với đối tác nước ngoài thông qua các kênh trực tuyến, ông Hùng cho biết.

Tại Khoá học, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã giới thiệu tổng quan các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu từ VCCI và Alibaba.com cũng như mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai bên, trong đó có chuỗi hội thảo, đào tạo tổng thể hàng năm cho các doanh nghiệp.

Bà Thuỷ cho biết, đại dịch Covid đã tác động đến doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, từ việc duy trì việc làm cho người lao động, suy giảm năng lực sản xuất, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu và khó khăn trong dự trữ hàng hoá, giảm doanh thu cho tới khó khăn trong duy trì và tìm kiếm thị trường mới. Trong giai đoạn hiện nay, có tới 57,8% doanh nghiệp ưu tiên nội dung cải tiến chất lượng, dịch vụ; 53,8% ưu tiên giảm chi phí quản lý; 45,2% ưu tiên quan tâm chăm sóc khách hàng mới; 32,8% quan tâm tới giảm giá thành dịch vụ, sản phẩm; 32% quan tâm phát triển kênh bán hàng mới, nhưng chỉ có 7,9% doanh nghiệp quan tâm đến tái cấu trúc chuỗi cung ứng. “Thay vì thụ động và chờ đợi, các doanh nghiệp cần biến nguy thành cơ! Hãy tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn nhằm cắt giảm chi phí, tối ưu nguồn nhân lực để vượt qua khó khăn để từ đó phát triển cả trong đại dịch và sau đó.”, bà Thuỷ nhấn mạnh.

Đề cập về nhận thức được vai trò của ứng dụng công nghệ số trong bối cảnh dịch Covid-19, bà Thuỷ cho biết: có hơn 50% doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trước khi có Covid-19, 27,7% doanh nghiệp bắt đầu ứng dụng các công nghệ số từ khi có Covid, 3,1% bắt đầu ứng dụng công nghệ số từ khi có dịch nhưng sẽ quay lại cấu trúc cũ sau khi hết dịch. Đặc biệt, có 17,3% doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng công nghệ số nhưng có quan tâm từ khi có dịch.

Ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng Phòng kinh doanh Công ty Mediastep đã có bài Tổng quan về sàn thương mại điện tử Alibaba.com và hướng dẫn doanh nghiệp cách thức xuất khẩu trực tuyến. Alibaba.com là một nền tảng hàng đầu cho thương mại bán buôn toàn cầu, được thành lập năm 1999 tại Trung Quốc. Những người sáng lập của Alibaba tin là sẽ đánh bại các doanh nghiệp nhỏ lẻ bán hàng truyền thống, nhờ niềm tin rằng Internet sẽ san bằng sân chơi bằng cách cho phép các doanh nghiệp nhỏ tận dụng sự đổi mới vào công nghệ để phát triển và cạnh tranh hiệu quả hơn trong các nền kinh tế trong nước và toàn cầu. Việc mua hàng trên Alibaba phát triển hùng mạnh nhiều năm sau đó do sự đóng góp kỳ diệu của Internet, Website Alibaba.com đã trở thành sàn thương mại điện B2B với hơn 30 triệu nhà mua hàng thường xuyên, hơn 150.000 nhà cung cấp toàn cầu và hơn 430.000 đơn hàng được thực hiện hàng ngày tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chia sẻ về những kinh nghiệm xuất khẩu trực tuyến hiệu quả trên Alibaba cũng như cách nắm bắt cơ hội xuất khẩu trực tuyến thông qua TMĐT tại Việt Nam, bà Huỳnh Ngọc Nguyên - Phó Giám đốc kinh doanh quốc tế Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn bộc bạch những khó khăn bước đầu khi tham gia Alibaba.com như thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm về vận hành bán hàng online… Nhưng bằng nỗ lực không ngừng, Công ty đã khắc phục và tìm ra những giải pháp phù hợp bằng cách học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè đã kinh doanh thành công trên Alibaba, tham gia tất cả các khóa đào tạo của Alibab, tham gia vận hành và thiết lập quy trình.

Tại Khoá học, các học viên đã sôi nổi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cũng như những câu hỏi, đề xuất sát với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp. Các chuyên gia, giảng viên đã giải đáp mọi thắc mắc của các học viên và tư vấn chuyên sâu cho những doanh nghiệp có nhu cầu. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận, tận dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lớn các nhà mua hàng, các đối tác xuất khẩu, từ đó, giúp doanh nghiệp thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến./.

Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An