VCCI NGHỆ AN: NÂNG CAO NĂNG LỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ CHO DOANH NGHIỆP

2022-10-12 15:51:00

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 về Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Hàng năm, lấy ngày 10 tháng 10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông phát động Chương trình "Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số" hướng tới mục tiêu để người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, để doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng.

TS. Đàm Thanh tú - Phó Viện trưởng Viện Quản trị số, Phó Trưởng Khoa Kinh tế số, Học viện Chính sách và Phát triển (Ảnh từ Ms. Kim Thư)

Chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu trong xu thế hiện nay. Để nâng cao năng lực Chuyển đổi số nhằm ứng dụng Công nghệ số một cách hiệu quả nhất, Chi nhánh VCCI Nghệ An phối hợp với Viện Nghiên cứu sành sứ thủy tinh Công nghiệp, Bộ Công Thương tổ chức Khóa đào tạo “Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao năng lực quản trị và quảng bá doanh nghiệp” tại thành phố Vinh, ngày 10/10/2022.

Giảng viên Khoá đào tạo - Tiến sỹ Đàm Thanh Tú, Phó Viện trưởng Viện Quản trị Số, Phó Trưởng Khoa Kinh tế Số, Học viện Chính sách và Phát triển đã chuyển tải những nội dung quan trọng cho các học viên, như: Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) để định hình chiến lược doanh nghiệp số; chiến lược Ommichannel, giải pháp quản lý bán hàng đa kênh thời đại mới; xây dựng văn hoá chuyển đổi số cho doanh nghiệp; phát triển kinh doanh và quảng bá hình ảnh doanh nghiệp trên các nền tảng số.

Về nguy cơ và triển vọng của xã hội số, TS. Đàm Thanh Tú cho biết, bên cạnh những nguy cơ như: tự động hoá và mất việc làm, lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật, tin tức giả cũng như phong cách sống số và hệ luỵ thì nền kinh tế số kiến tạo thịnh vượng, cuộc sống thông minh và tiện ích hơn, nâng cao sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ, cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ…

Học viên phát biểu (Ảnh từ Mrs. Thư)

Doanh nghiệp rất cần chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số. Doanh nghiệp có hệ thống kinh doanh thông minh, kết hợp giữa con người và máy móc, dự báo, tự động và hỗ trợ ra quyết định. Khi đó kinh doanh sẽ hiệu quả hơn, tạo đột phá doanh thu, gia tăng lợi nhuận, tối ưu hiệu suất nhân viên, tăng trưởng nhiều và nhanh hơn, khả năng đột phá (mô hình kinh doanh mới) cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp càng trì hoãn lâu, việc chuyển đổi số sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

So sánh về lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp số so với doanh nghiệp truyền thống, TS. Tú khẳng định, doanh nghiệp số sẽ tiết kiệm chi phí hoạt động và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, công tác quản lý thông tin và khai thác tài nguyên tốt hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khiến cho khách hàng tự động trả tiền cho sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp số mang lại sự linh hoạt cho doanh nghiệp, cải thiện năng suất của nhân viên cũng như toàn bộ doanh nghiệp.

Toàn cảnh Khóa đào tạo

Theo TS. Tú, nền tảng chuyển đổi số thành công đó chính là xây dựng văn hóa số. Đó là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số. Văn hóa số sẽ dần được hình thành trên lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp vì công nghệ làm tác động và thay đổi cách thức liên kết trong và giữa các bộ phận, niềm tin và thái độ của mỗi nhân sự đối với tổ chức chung. “Muốn xây dựng văn hoá chuyển đổi số trong doanh nghiệp, chúng ta cần có lộ trình: xác định văn hoá số cần xây dựng, thử nghiệm trên nhóm, triển khai toàn bộ, đo lường và điều chỉnh cũng như bảo vệ và duy trì thật tốt. Với doanh nghiệp, nếu chiến lược được ví như Hạt giống thì văn hóa sẽ được xem là Đất, việc kiến tạo nên một “mảnh đất tốt” luôn là một bài toán đau đầu của các doanh nghiệp”, TS. Tú nhấn mạnh.

Cũng tại Khoá đào tạo, giảng viên và các học viên đã có phiên thảo luận, tư vấn giải pháp quản trị doanh nghiệp số và chăm sóc khách hàng./.

Phan Duy Hùng – Chi nhánh VCCI Nghệ An